Nên chăng phát triển thị xã Kinh Môn theo hướng phố núi?

Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 28/02/2020

Thiên nhiên ưu đãi cho thị xã Kinh Môn có nhiều đồi núi. Nếu được quy hoạch phát triển theo hướng phố núi, TP Kinh Môn trong tương lai hứa hẹn sẽ có nét độc đáo riêng.


Xây dựng phố núi sẽ là nét độc đáo của thị xã Kinh Môn trong tương lai. Ảnh: Mai Anh

Từ ngày 1.11.2019, huyện Kinh Môn đã lên thị xã. Trong kế hoạch, không bao lâu nữa thị xã Kinh Môn sẽ trở thành thành phố. Đó là sự phát triển tất yếu và khách quan.

Hiện có nhiều cánh đồng đã mất đi để nhà máy hoặc khu dân cư xuất hiện. Chẳng hạn như trên các cánh đồng ở Hiệp Thượng, An Cường thuộc phường Hiệp Sơn đã mọc lên hàng chục nhà máy, nhiều hôm khói tỏa ngút trời. Ở xóm Hạnh Phúc, nhiều hộ muốn chuyển đi nơi khác vì bụi và tiếng máy chạy. Cùng với nhà máy là khu dân cư đã quy hoạch xong. Đường, vỉa hè đã hoàn thiện, vậy mà gần chục năm nay số người đến mua để làm nhà ở may ra mới được 30% diện tích đất.

Phía tây của làng Hiệp Thượng, cánh đồng bao đời cấy lúa nếp cái hoa vàng nay cũng thành khu dân cư. Quy hoạch đã gần xong mà chưa thấy ai mua để làm nhà. Rồi ở thôn Cổ Tân, Huề Trì (xã An Phụ cũ), xã Thượng Quận, Quang Trung, Phúc Thành (cũ)… đều xuất hiện các khu dân cư mới quy hoạch trên những cánh đồng cách đây không lâu còn là đồng lúa, đồng hành tỏi tươi xanh.

Rồi Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương ở hai xã Quang Trung, Phúc Thành (nay là xã Quang Thành); nhiều nhà máy, kho, bãi đang tiếp tục mọc lên ở xã Lê Ninh. Những nhà máy may khổng lồ đã và đang hoàn thiện ở phường Long Xuyên.

Có một nét chung là các nhà máy và khu dân cư mới đều bám theo các trục đường tỉnh, đường huyện và đường liên xã. Một số nhà máy thì bám theo đường sông. Tất cả đều xâm vào đất ruộng màu mỡ.

Hãy đặt thị xã Kinh Môn vào khoảng mươi năm sau, khi đã lên thành phố thì TP Kinh Môn sẽ thế nào? Có gì khác biệt với TP Hải Dương, TP Chí Linh của tỉnh và các thành phố Uông Bí, Móng Cái, Hạ Long (Quảng Ninh)…? Hay cũng vẫn trong cái mô hình muôn thuở là nhà máy, khu dân cư, bến bãi, kho tàng ở lẫn lộn theo kiểu “xôi đỗ”?

Với dân cư thì nhà ống giáp vách nhau cùng quay mặt ra đường. Nhà nhà làm dịch vụ buôn bán nhỏ, chăn nuôi nhỏ, sản xuất nhỏ chen chúc nhau. Làm thế nào TP Kinh Môn thành điểm nhấn không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước, chí ít cũng là của miền Bắc?


Nếu không có quy hoạch tổng thể, thị xã Kinh Môn sẽ phát triển theo hướng "xôi đỗ" như nhiều đô thị khác (ảnh mang tính minh họa)

Trả lời câu hỏi này phải có cái nhìn tổng thể. Đó là xây dựng hai trục phố núi cho cả thị xã Kinh Môn. Loại hình phố truyền thống đã có từ lâu. Loại hình phố núi, phố làng đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng vẫn mang tính tự phát nên chưa tạo ra vẻ đẹp tổng thể, ấn tượng.

Ngược lại ở thị xã Kinh Môn, thiên nhiêu ưu ái tạo cho dãy núi An Phụ chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam. Đây là dãy núi có đất phủ ngoài, bên trong là đá vỉa (đá non). Dãy núi chỉ duy nhất có đỉnh An Phụ cao trên 200 m.

Còn lại đều là dạng đồi thấp, sườn thoải, đỉnh tròn. Cả dãy núi hầu như còn nguyên vẹn nên không có hiện tượng sạt lở. Hiện nay, rừng thông, keo, bạch đàn và cây bụi phủ kín. Nếu tính từ An Lưu đến hết Phúc Thành thì dãy núi An Phụ theo đường chim bay cũng dài gần 20 km.

Từ chân núi ra hai phía tây nam và đông bắc đều là sông, với khoảng cách không xa. Chỗ rộng nhất chừng 4 km. Chỗ hẹp nhất chừng 1,5 km (tính theo bản đồ Kinh Môn tỷ lệ 1/20.000).

Nếu chúng ta có quy hoạch từ bìa rừng trở ra là các khu dân cư (thuộc các xã, phường Hiệp An, An Lưu, An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Quang Thành, Lê Ninh, Bạch Đằng, Phạm Thái, An Sinh, Hiệp Sơn) phía ngoài đất được làm nhà là con đường dân sinh uốn lượn, ta sẽ có hai dãy phố núi khổng lồ.

Một dãy quay hướng đông bắc, một dãy quay hướng tây nam. Nhà nhà tựa lưng vào núi, mặt quay ra sông. Trước nhà là đồng lúa, hoa màu xanh tươi.

Ở đây sẽ được hưởng gió mát quanh năm, ít khói bụi công nghiệp, không có tiếng ồn và còn có nguồn nước mạch trong vắt ở núi chảy ra. Ven con đường dân sinh chạy phía trước được trồng các loại cây thân gỗ có hoa rực rỡ như cây gạo, bằng lăng, phượng vĩ, sữa, ban trắng, ban đỏ…

Thử tưởng tượng TP Kinh Môn có hai dãy phố núi khổng lồ, rực rỡ hoa tươi như thế sẽ thành bức tranh thơ mộng và hoành tráng. Kinh Môn sẽ là điểm gây ấn tượng mạnh cho du khách, dẫu đi trên quốc lộ 5 hay đi tàu thủy trên sông Kinh Thầy hoặc sông Vận (tức sông Kinh Môn) chắc chắn không ai là không say sưa chiêm ngưỡng, ao ước một lần đến và ở lại với phố núi vài ba ngày đêm.

Từ các đường giao thông hiện có, thuộc mỗi phường, xã chỉ cần làm một con đường vài ba cây số nối với đường dân sinh trước phố là đi lại thoải mái, dễ dàng.

Ngoài hai dãy phố núi chính ở hai bên dãy An Phụ thì Lê Ninh, Duy Tân, Phú Thứ, Minh Tân, Tân Dân, Hoành Sơn đều có núi và đồi. Các địa phương này đều có thể quy hoạch để xây dựng phố núi. Làm được như vậy ta sẽ có các khu dân cư ngăn nắp, gọn gàng, sẽ giữ lại được những cánh đồng màu mỡ.

Tất nhiên việc hình thành phố núi không hề đơn giản, thậm chí gặp rất nhiều khó khăn. Song nếu có quy hoạch, có sự chỉ đạo thống nhất, chắc chắn sẽ thành công. Phố núi sẽ là nét độc đáo của TP Kinh Môn trong tương lai.                                                                                                            

VĂN DUY