“Chia lửa” với ngành y
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:08, 28/02/2020
Nghề y cũng là một “nghề nguy hiểm” khi các bác sĩ, nhân viên y tế thường là những người đầu tiên tiếp xúc với các loại dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh lây nhiễm mới xuất hiện, chưa có thuốc, phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Trong dịch SARS năm 2003, Việt Nam có 66 người nhiễm bệnh thì 40 người trong số đó là y tá, bác sĩ và 5 người đã chết trước khi Việt Nam trở thành nước đầu tiên khống chế được dịch bệnh này. Trong lần đối mặt với dịch Covid-19, nước ta chưa có bác sĩ, nhân viên y tế nào bị lây bệnh từ bệnh nhân nhưng những nguy cơ luôn rình rập. Tại Hải Dương, 18 bác sĩ, nhân viên y tế đã từng phải cách ly khi cứu chữa cho một bệnh nhi người Trung Quốc nghi nhiễm virus này. Trong những ngày qua và cho tới khi nào dịch bệnh được kiểm soát, khống chế trên quy mô toàn cầu, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong cả nước sẽ tiếp tục phải làm việc căng thẳng bởi số lượng người cần cách ly, chăm sóc y tế vẫn đang tiếp tục tăng.
Không chỉ khi xảy ra bệnh dịch, trong bối cảnh xã hội hiện tại, những người làm việc trong ngành y còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro, nguy hiểm khác. Trong một thời gian dài, báo chí và dư luận xã hội đã phải lên tiếng về tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân, bệnh nhân hành hung về thể xác, uy hiếp về tinh thần. Một bộ phận người dân có thái độ không đúng mực khi đi khám chữa bệnh, có tâm lý không tin tưởng vào trình độ, y đức của y, bác sĩ. Nhiều người không tìm hiểu những kiến thức y tế mà đã lên tiếng chỉ trích, phê phán đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong công việc chuyên môn một cách cảm tính và sai lầm. Từ chỗ thiếu niềm tin và hạn chế về nhận thức, nhiều người không chăm sóc sức khỏe một cách khoa học, không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ mà tự chữa bệnh bằng những phương thuốc chưa được kiểm chứng lan truyền trên internet; nhiều người tham gia các phong trào phản khoa học như anti vaccine, thuận theo tự nhiên… gây thêm gánh nặng cho ngành y và nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng.
Sự tôn vinh với ngành y, với đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế cần được thể hiện bằng cả thái độ, hành động của mỗi người dân và toàn xã hội. Sự cảm thông, chia sẻ với những vất vả, nguy hiểm của nghề y, với những áp lực mà các thầy thuốc phải đối mặt cần được thể hiện bằng thái độ đúng mực khi khám chữa bệnh, tuân thủ những chỉ định điều trị của bác sĩ. Mỗi người dân đều có thể góp sức “chia lửa” với ngành y bằng cách thực hiện nghiêm ngặt những hướng dẫn phòng chống bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe một cách khoa học. Khi có bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời, không tự ý điều trị; nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bằng các kênh truyền thông, nguồn tài liệu khoa học chính thống. Khi mỗi người dân có ý thức, kiến thức tự chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh dịch thì gánh nặng của ngành y sẽ được giảm bớt rất nhiều. Sự trân trọng, chia sẻ của người dân với những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ là nguồn động viên lớn lao đối với ngành y mà còn tác động tích cực tới chính cuộc sống của mỗi người.
THÁI HÒA