Báo cáo chính trị phải "đúng, trúng"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:23, 29/02/2020

Xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp đóng vai trò quan trọng không kém công tác chuẩn bị về nhân sự.

Cách đây chưa lâu, tôi có dịp phỏng vấn một đồng chí nguyên Bí thư Đảng ủy cấp xã về việc xây dựng văn kiện, mà cụ thể là báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở.

Đồng chí nói rằng, chuẩn bị đại hội thì quan trọng nhất vẫn là công tác nhân sự, đó mới là việc khó chứ văn kiện có gì khó đâu. Báo cáo tổng kết năm nào chẳng có, tổng hợp lại, rồi phân tích một số tình hình, lấy ý kiến góp ý theo đúng chỉ đạo là xong.

Dường như tư tưởng coi trọng việc chuẩn bị nhân sự hơn chuẩn bị văn kiện đại hội không còn là chuyện hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Người ta đánh giá đại hội có thành công hay không chủ yếu ở công tác bầu cử. Hiếm có đại hội nào có sự tranh luận sôi nổi về những vấn đề được đặt ra trong báo cáo chính trị, nhất là về nguyên nhân của những thành công, hạn chế, của mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ mới. 

Có ý kiến cho rằng sở dĩ có việc này, thứ nhất là bởi "cán bộ là gốc của mọi công việc", công tác nhân sự đương nhiên phải được coi trọng. Thứ hai là do quy trình thảo luận, xây dựng dự thảo văn kiện rất đầy đủ, nên không cần thiết phải góp ý, tranh luận tại đại hội. Các tham luận thường chỉ tập trung làm rõ hơn các kết quả đạt được mà thôi.

Suy nghĩ này không sai, song trên thực tế, việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ, nhất là ở cấp cơ sở và đại hội các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở còn rất nhiều hạn chế. Rất nhiều dự thảo được sao chép, dựa trên báo cáo chính trị của nhiệm kỳ trước, chỉ sửa số liệu, tình hình và điều chỉnh một vài tên của chỉ thị, nghị quyết, đề án...

Trong khi đó, nhiều ý kiến góp ý lại chủ yếu vào vấn đề văn phong, ngữ pháp, cách diễn đạt; góp ý bổ sung kết quả nhiều hơn là hiến kế, bổ sung các giải pháp thực hiện hoặc phân tích, chỉ thẳng những nguyên nhân chủ quan dẫn đến hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khi góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 26.2 vừa qua.

Đó là, có báo cáo chính trị tốt thì sẽ xây dựng được Nghị quyết Đại hội tốt. Nghị quyết tốt là Nghị quyết không phải chỉ để cán bộ đọc mà phải được đưa vào cuộc sống, để không chỉ Hải Dương mà cả các địa phương khác cũng nhìn thấy đường hướng phát triển của Hải Dương, doanh nghiệp nhìn thấy ở đó cơ hội đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Hải Dương.

Nói như vậy để thấy xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp đóng vai trò quan trọng không kém công tác chuẩn bị về nhân sự. Để đánh giá đúng, trúng tình hình, những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, cần đầu tư nghiên cứu tỉ mỉ và phương pháp khoa học. Từ đó, mới xác định đúng đường hướng phát triển cũng như giải pháp để thực hiện các mục tiêu đặt ra.

Trong tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện, không thể làm qua loa, đại khái cho đủ các bước. Vấn đề quan trọng là làm sao có được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng.

Cách làm của tỉnh trong lấy ý kiến đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương là một gợi ý tốt cho các Đảng bộ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở. Đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, những người có kinh nghiệm trong lập quy hoạch, kế hoạch phát triển là rất quan trọng.

HOÀI ANH