Xác định tầm nhìn chiến lược Mỹ - Ấn Độ
Bình luận - Ngày đăng : 14:45, 29/02/2020
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tại New Delhi ngày 25.2. Ảnh: CNN
Với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đây là cuộc gặp lần thứ 5 trong vòng 8 tháng và ông Modi rất mong chuyến thăm của ông Trump. Chuyến thăm của ông Trump đến Ấn Độ lần này là chuyến thăm lần thứ 5 của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới New Delhi kể từ thời Tổng thống Bil Clinton.
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm này của ông chủ Nhà Trắng tới Ấn Độ nhằm thu hút cử tri Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Đảng Cộng hòa đang kiếm tìm nhiệm kỳ thứ 2 cho ông Trump. Do đó, việc tranh thủ các nhóm cử tri để ủng hộ là việc làm quan trọng. Hiện tại, Mỹ hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn Độ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, 84% số cử tri gốc Ấn không bỏ phiếu cho ông Trump nhưng họ cũng không bỏ phiếu cho ứng viên của Đảng dân chủ. Do đó, việc tranh thủ lá phiếu của cử tri gốc Ấn Độ sẽ giúp ông Trump có thêm thuận lợi trong cuộc đua cho nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng.
Thứ hai, quan hệ thương mại hai chiều Mỹ - Ấn Độ năm 2018 đạt hơn 142 tỷ USD, dự kiến năm 2025 đạt 238 tỷ USD. Mỹ đã quyết định chấm dứt cơ chế hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) đối với Ấn Độ vào ngày 1.6.2019 với lý do không bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường một cách công bằng và phù hợp đối với Mỹ đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía Ấn Độ. New Delhi tăng thuế đối với 22 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Theo giới phân tích, do hai bên đều có nhu cầu chiến lược về chính trị - kinh tế và an ninh, xung đột thương mại hai bên sẽ chấm dứt.
Thứ ba, vấn đề hợp tác quốc phòng được cả Mỹ và Ấn Độ quan tâm. Tháng 2.2019, hai bên tổ chức đối thoại 2+2 lần thứ 2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 2 nước tại Mỹ. Điều mong muốn của ông Trump khi thăm Ấn Độ là ký được một số thỏa thuận bán vũ khí cho nước này. Phía Ấn Độ đã làm hài lòng Mỹ bằng cách mua 24 máy bay trực thăng MH-60R Seahawk (khoảng 3 tỷ USD) để trang bị cho hải quân, giúp lực lượng này theo dõi tàu ngầm ở Ấn Độ Dương.
Từ năm 2007 đến nay, Ấn Độ đã chi tới 17 tỷ USD để mua các loại vũ khí của Mỹ. Điều cản trở lớn nhất trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn là việc Ấn Độ sẽ mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga. Thế nhưng, vì nhiều lẽ trong đó có việc Mỹ cần Ấn Độ trong chiến lược rộng lớn của mình nên Mỹ buộc phải tôn trọng tính tự chủ của Ấn Độ.
Ngoài ra, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump lần này được giới phân tích đánh giá là chuyến đi cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của cả Mỹ và Ấn Độ về quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu. Qua chuyến thăm của Tổng thống Trump cho thấy rõ một điều là sự hội tụ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, hòa bình và thịnh vượng do Mỹ khởi xướng được Ấn Độ ủng hộ cao. Phía Mỹ cam kết với Ấn Độ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng trong khu vực.
Thực chất mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi Ấn Độ tuyên bố độc lập, đặc biệt sau khi Ấn Độ thử hạt nhân. Sau năm 2000, Tổng thống Bil Clinton thăm Ấn Độ mở cửa trở lại quan hệ thân thiết với Ấn Độ. Đến thời Tổng thống George W.Bush thăm Ấn Độ rồi cùng Thủ tướng Manmohan Singh ký thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn Độ, nhưng lại có những điều đáng tiếc xảy ra trong quan hệ hai bên.
Tại Mỹ vẫn còn những chỉ trích về “ván cá cược” lớn của Tổng thổng Bush với Ấn Độ, đặc biệt các doanh nghiệp Mỹ vẫn cho rằng Ấn Độ là quốc gia đánh thuế cao nhất thế giới với các mặt hàng mà Ấn Độ nhập từ Mỹ. Gần đây, Tổng thống Trump đã tăng mức áp thuế với một số mặt hàng của Ấn Độ. Phía Ấn Độ lập tức áp thuế đáp trả với 22 mặt hàng của Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các vấn đề khác “có mặt” trong chiến lược chung Mỹ - Ấn Độ không có nhiều khúc mắc, gai góc nhất vẫn là vấn đề thương mại bởi với một thị trường hơn 1 tỷ dân của Ấn Độ, Mỹ không thể bỏ qua nhưng cũng không thể chấp nhận những quy định khắt khe của Ấn Độ.
HẢI HÀ