Cha mẹ mệt mỏi vì con rối loạn tiêu hóa

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 19:16, 01/03/2020

Nếu không được điều trị đúng phương pháp thì tình trạng bệnh của trẻ khó có thể chữa dứt điểm.

Điều trị cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy tại Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Hải Dương)

Mất ăn, mất ngủ

Đầu tháng 2, cháu Nguyễn Thanh Th. (2,5 tháng tuổi) ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) bắt đầu có dấu hiệu bị tiêu chảy. Ban đầu cháu đi đại tiện khoảng 4 lần/ngày. Chị Nguyễn Thị Nh. (22 tuổi) mẹ của cháu Th. đã tự ý mua thuốc về cho con uống nhưng tình trạng không cải thiện. Lúc này, gia đình mới đưa cháu vào bệnh viện.

Cháu Th. được chẩn đoán nhiễm khuẩn, rối loạn đường ruột dẫn đến tình trạng mất nước, tiêu chảy. Cháu đã được ra viện sau hơn chục ngày điều trị tích cực. Chị Nh. cho biết: "Quãng thời gian con nằm viện, tôi rất căng thẳng, áp lực.

Lần đầu làm mẹ nên tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ, giá như ngay khi con có dấu hiệu bất thường về tiêu hóa, tôi đưa đến ngay cơ sở y tế thì có lẽ sẽ được xử lý kịp thời hơn". 

Khác với mối lo lắng của chị Nh., vợ chồng chị Đỗ Thị L. (30 tuổi) ở phường An Phụ (Kinh Môn) lại thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi khi đứa con 3 tuổi của anh chị hay bị táo bón kéo dài trong nhiều ngày. Vợ chồng chị tìm đủ mọi phương pháp chữa trị cho con.

Thậm chí chị đã lên nhiều hội nhóm trên Facebook để nhờ tư vấn, tăng liều thuốc điều trị táo bón Duphalac cho con uống nhưng vẫn không hiệu quả. Gần đây, chị đưa con đi bệnh viện và làm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhi, tình trạng của con chị đã khá dần lên, nhưng chị vẫn chưa thực sự yên tâm vì lo con tiếp tục bị táo bón. 

Mỗi ngày Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị nội trú cho khoảng 40 trẻ và có đến 1/3 số trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa. Hằng ngày, số trẻ phải vào Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Hải Dương) điều trị cũng khá nhiều.

Trong nhiều hội nhóm của các ông bố, bà mẹ trên Facebook, có không ít cha mẹ cần được tư vấn, gỡ rối khi con mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy... Chủ đề này cũng thu hút nhiều ý kiến thảo luận, tham gia sôi nổi từ việc mua thuốc, dùng men vi sinh, thậm chí là chữa mẹo... 

Cần ăn uống, sinh hoạt hợp lý

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Nghiệp, Trưởng Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Hải Dương), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa, đặc biệt là trẻ sơ sinh cho đến khi 6 tuổi.

Trong giai đoạn này, sức đề kháng và hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm... Chúng là nhân tố gây nên bệnh tiêu hóa.

Một số trường hợp trẻ có thể mắc bệnh do dùng kháng sinh. Khi đi vào cơ thể, kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng sinh thái đường ruột, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trong khi hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Khi trẻ mắc bệnh táo bón thì không phải điều trị nội trú mà thường được điều trị ở nhà.

Cha mẹ được hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt cân bằng cho con. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đưa con vào bệnh viện điều trị tiêu chảy là mong muốn tình trạng bệnh của con sẽ được cải thiện ngay lập tức.

Nhưng trên thực tế, việc điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa phải chờ một thời gian mới có dấu hiệu chuyển biến nên cần đến sự kiên nhẫn của cha mẹ.

Cũng chính vì nôn nóng, sốt ruột mà nhiều phụ huynh có thói quen khi con mắc bệnh là kể dấu hiệu, triệu chứng với người bán thuốc và tự mua thuốc về sử dụng.

hính việc làm này đã khiến tình trạng của trẻ có nguy cơ tăng nặng hơn. Năm nào Khoa Tiêu hóa cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ có dấu hiệu tiến triển nặng do quá trình điều trị chưa đúng cách của gia đình.

Bệnh tiêu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt là chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Do đó, điều quan trọng nhất là thay đổi chế độ dinh dưỡng ăn uống sao cho phù hợp.

Cha mẹ cần tăng cường cho con rau xanh, hoa quả, chất xơ, nước uống, xoa bụng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ để kích thích nhu động ruột. Bác sĩ Nghiệp chia sẻ, các bệnh về tiêu hóa sẽ khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời.

Nhưng nếu chủ quan, không chữa nhanh chóng và dứt điểm sẽ dẫn đến tình trạng viêm, tổn thương đường ruột mạn tính. Khi thấy trẻ có dấu hiệu hoặc các triệu chứng bất thường về tiêu hóa, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc thụt hậu môn mà không có chỉ định của bác sĩ. Điều này khiến tình trạng bệnh của trẻ tăng nặng, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và quá trình chữa trị có thể phải kéo dài hơn, khó dứt điểm.

HUYỀN TRANG