Ký ức Chiến dịch Tây Nguyên
Tin tức - Ngày đăng : 10:59, 04/03/2020
Ông Đỗ Trọng Lợi và ông Bùi Hữu Châu ôn lại những kỷ niệm trong Chiến dịch Tây Nguyên
45 năm trôi qua, ký ức về chiến dịch lịch sử đó vẫn in đậm trong tâm trí mỗi cựu chiến binh năm xưa.
Gian nan, quyết liệt
Ông Bùi Hữu Châu ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) nhập ngũ năm 1968 khi 20 tuổi. Sau 2 lần đi B, tháng 7.1971, ông được biên chế vào Trung đoàn 25, Sư đoàn 10, giữ chức vụ Chính trị viên phó Đại đội 5, Tiểu đoàn 4. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Đại đội 5 được giao nhiệm vụ đánh căn cứ Chư Nga, phía tây thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 10.3.1975, sau khi các hướng đánh, mũi đánh của ta đều thắng lợi, chiếm được các vị trí, trung đoàn lệnh cho đơn vị tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt căn cứ Chư Nga, hỗ trợ các lực lượng cắt đường, không cho địch tiếp cận thị xã Buôn Ma Thuột. "Nhận lệnh, đơn vị chúng tôi triển khai lực lượng, bao vây căn cứ. Rạng sáng 11.3, quân ta tiến công vào mục tiêu, sau 2 tiếng đánh trả quyết liệt, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ căn cứ Chư Nga, một trong những chốt quan trọng của địch, giải phóng hoàn toàn khu vực", ông Châu kể. Trong trận này, ông Châu bị thương ở bả vai. Vết thương nay vẫn hành hạ ông mỗi lúc trái gió trở trời song với ông đó cũng là dấu tích tự hào về một thời trận mạc.
Đối với ông Hoàng Xuân Phúc ở khu 1, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), từng là Phó Đại đội trưởng Đại đội 4, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, ký ức về Chiến dịch Tây Nguyên không chỉ có khó khăn, vất vả mà hơn hết là tự hào. Trong chiến dịch này, ông Phúc được giao nhiệm vụ trinh sát mở đường, nắm tình hình địch - ta để chuẩn bị cho các hướng tiến công. Ông và anh em trong tổ trinh sát luôn phải nắm chắc được hướng đi của kẻ thù, luồn lách vực cao, suối sâu. Chỉ cần một chi tiết sai sót sẽ phải trả giá rất đắt, vì thế dù có khó khăn, nguy hiểm cũng không thể lùi bước. Khoảng 7 giờ tối mỗi ngày, ông Phúc cùng đồng đội mặc quần áo bà ba đen, men theo các con suối nhỏ vừa đi vừa quan sát, sau đó dùng dao găm đánh dấu vào những thân cây hoặc mỏm đá. "Chúng tôi phải về đơn vị trước 6 giờ sáng để tổng hợp, vẽ lại trên giấy rồi báo cáo cấp trên. Đường đi trinh sát trơn trượt, dốc đứng, vực cao. Mỗi người chỉ có duy nhất một tấm dạ quang gắn sau mũ để nhận diện đồng đội. Ánh sáng hoàn toàn phụ thuộc vào trời nên anh em trong tổ thường xuyên trượt ngã. Khó khăn, vất vả là thế, có những lần tưởng như kiệt sức nhưng anh em vừa đi vừa động viên nhau rồi cũng đến nơi", ông Phúc nhớ lại.
Trong suốt Chiến dịch Tây Nguyên, những người lính trinh sát như ông Phúc đã tham mưu nhiều tuyến đường đi, hướng đánh và thu được những tin tức quan trọng, góp phần giúp đơn vị, cấp trên nắm chắc tình hình địch - ta để có kế hoạch hành động thắng lợi...
Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ
Ông Đỗ Trọng Lợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. "Trong Chiến dịch Tây Nguyên, toàn tỉnh đã có hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Nhiều người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, nhiều người trở về địa phương đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho quê hương, đất nước", ông Lợi nói.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Khi ở thôn Lôi Trì, xã Hồng Khê (Bình Giang) đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, tham gia từ Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh (năm 1967) rồi Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Campuchia... Năm 1992, ông Khi nghỉ hưu. Trở về địa phương, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động tại cơ sở, từng làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Lôi Trì, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hồng Khê. Năm 2012, do sức khỏe yếu, ông nghỉ công tác hội. Suốt 17 năm làm việc tại địa phương, ông Khi đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nếp sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Kết thúc Chiến dịch Tây Nguyên, ông Hoàng Xuân Phúc được điều động về làm trợ lý tuyên huấn Đoàn 559, cùng đơn vị đi tiếp quản Nha Trang, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó, ông về công tác tại Tổng cục Xây dựng kinh tế (Binh đoàn 12), rồi làm trợ lý chính trị Trung đoàn 35. Cuối năm 1986, ông nghỉ mất sức. Ông Phúc đã có 10 năm giữ chức Bí thư Chi bộ khu 1, thị trấn Kẻ Sặt. Năm 2000, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Kẻ Sặt. Ở vị trí nào ông Phúc cũng luôn là tấm gương sáng.
TRƯƠNG HÀ
Tháng 10 và tháng 12.1974, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương cùng các bộ chủ chốt ở chiến trường đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Bộ Chính trị còn dự kiến: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975; quyết định thành lập 3 quân đoàn 1, 2 và 4; mở rộng và kéo dài tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam tới Nam Bộ; miền Bắc dồn sức chi viện mạnh mẽ, toàn diện, liên tục cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn từ ngày 4.3.1975 bằng Chiến dịch Tây Nguyên mà trận đột phá chiến lược là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24.3.1975, Chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn, là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. |