Các biện pháp chăm sóc vải
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:09, 05/03/2020
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6.2020 phổ biến ở mức cao hơn trung bình năm trước từ 1-1,5 độ C. Riêng tháng 3 có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C. Hiện tượng rét đậm có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 3 nhưng không kéo dài. Tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm. Để bảo đảm tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, nhất là huyện Thanh Hà và TP Chí Linh cần đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc.
- Đối với trà vải sớm đã ra hoa cần tưới đủ nước để cành hoa vươn dài, nở hoa và đậu quả thuận lợi. Áp dụng các biện pháp tăng tỷ lệ đậu quả như phun phân bón qua lá và chất điều tiết sinh trưởng như Multi-K, Botrac, Master Gro, Thiên Nông... Không bón đạm trong giai đoạn hoa nở rộ. Bón thúc ngay khi hình thành quả để quả phát triển, giảm rụng quả sinh lý.
- Đối với vải thiều chính vụ, cần tưới nước đủ ẩm kết hợp bổ sung các loại phân bón lá nhằm kéo dài chùm hoa, tăng chất lượng hoa, giúp quá trình thụ phấn được thuận lợi và tăng cường khả năng giữ quả, nhất là với vùng trồng vải dễ bị khô hạn như TP Chí Linh.
- Đối với cây vừa ra hoa, vừa ra lộc cần ngắt bỏ lộc và lá non kèm theo chùm hoa để cây tập trung dinh dưỡng cho ra hoa, đậu quả.
- Đối với tất cả các trà vải sau khi ra hoa, kết quả cần tăng cường tối ưu các biện pháp chăm sóc, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh kịp thời để giữ quả, bảo đảm số quả trên cành.
Phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh như sâu đo, sâu đục chẽ hoa, sâu đục đầu quả non, rệp sáp, nhện lông nhung, bọ xít, bệnh sương mai tạo điều kiện thuận lợi cho vải nở hoa, kết quả.
PV (tổng hợp)