Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:41, 24/04/2023
Kết thúc quý I.2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đạt thấp, chỉ bằng 9,69% kế hoạch, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Chỉ có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 15%. 49 trong tổng số 52 bộ, cơ quan Trung ương và 24 trong tổng số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân vốn kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thực hiện kế hoạch đầu tư công thấp là do các bộ, ngành, địa phương chậm triển khai giao kế hoạch vốn cho các dự án; vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu...
Đầu tư công là nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo ra nền tảng cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Đầu tư công không những tạo điều kiện đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước mắt mà còn tạo ra những xung lực mới cho phát triển lâu dài thể hiện ở các phân kỳ kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đang đứng thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng và viễn thông đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2015 đã tăng 16 bậc (từ vị trí 103 lên 67) và hệ thống đường cao tốc đứng vào vị trí thứ 3 ở Đông Nam Á.
Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với những công trình trọng điểm có tác động mạnh mẽ đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm mang tầm chiến lược.
Gần đây, ngày 7.3.2023, Chính phủ có Nghị quyết 31 đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thành lập 5 tổ công tác để đốc thúc. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến 3 nhóm nhiệm vụ phải khẩn trương đẩy mạnh, đó là: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Tại Hải Dương, năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 85,5%, là một trong những địa phương đạt tỷ lệ cao. Năm 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 5.800 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các địa phương, Ban quản lý, chủ đầu tư (gồm 4.700 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, gần 1.100 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương).
Nhằm đẩy mạnh đầu tư công trong tổng thể các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Tỉnh Hải Dương có nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên. Nếu nơi nào đạt dưới 90% thì đây là tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, ban quản lý, chủ đầu tư.
Tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt và những biện pháp kiên quyết như trên, đầu tư công của Hải Dương sẽ đạt được những kết quả to lớn hơn.
HOÀNG VŨ