Người nuôi ba ba gai ở xã Đại Sơn vướng pháp lý

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:12, 25/04/2023

Vốn là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ), song những người nuôi ba ba ở đây đang gặp vướng mắc bởi các quy định về quản lý nhà nước.


Ông Nguyễn Tiến Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) phát biểu tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ba ba gai ngày 6.4

Gần đây, Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương thuộc Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận được thông tin của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV về việc hộ ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) nuôi ba ba gai, ba ba Nam Bộ, rùa câm. Đây là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IIB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22.9.2021 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Sau khi kiểm tra, đơn vị đề nghị chủ cơ sở không mua bán, kinh doanh, tiêu huỷ hoặc vận chuyển đi nơi khác các loài động vật nói trên chờ ý kiến của các cơ quan chức năng.

Ngày 6.4, Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương, Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, lãnh đạo UBND xã Đại Sơn cùng đại diện các hộ chăn nuôi đã tổ chức họp tìm cách tháo gỡ vướng mắc này. Ông Nguyễn Tiến Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết không chỉ nhà ông Túy, nuôi ba ba đã trở thành nghề của người dân nơi đây từ những năm 90 của thế kỷ trước và người dân không có bất kỳ vướng mắc gì về giấy tờ quản lý. Cả xã có trên 200 hộ nuôi ba ba, tiêu thụ khoảng 45 tấn mỗi năm, thu nhập đạt 15 tỷ đồng.

"Vì thế, không thể coi ba ba gai là động vật thuộc nhóm quý hiếm được. Nếu quản lý người nuôi thả thì sẽ phải quản lý cả việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh nhà hàng. Khi đó sẽ rất phức tạp, có thể làm giảm số lượng hộ nuôi trong xã", ông Tiệp cho biết.

Cùng ý kiến với ông Tiệp, ông Nguyễn Văn Túy cho rằng việc đưa ba ba gai vào danh sách động vật hoang dã quý hiếm là không hợp lý bởi người dân có thể áp dụng các phương pháp để con vật này sinh sản với số lượng lớn, có thể mua bán bất kỳ lúc nào.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8.3.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản thì ba ba gai thuộc danh mục các loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. 


Xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) có hơn 200 hộ nuôi ba ba gai

Dù cả chính quyền và người dân đều kiến nghị đưa ba ba gai ra khỏi danh sách động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để thuận tiện trong việc nuôi, buôn bán nhưng ngày 14.4, Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương đã có văn bản đề nghị phối hợp quản lý chăn nuôi theo các văn bản, quy định hiện hành. Tổ chức, cá nhân nuôi ba ba gai, ba ba Nam Bộ, rùa câm có đầy đủ hồ sơ thì thông tin cho UBND xã Đại Sơn để địa phương tổng hợp, báo cáo Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương kiểm tra, xem xét và trình Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cấp mã cơ sở nuôi theo quy định. Trường hợp không tự nguyện khai báo, che giấu, cất giữ, nuôi nhốt, giết mổ trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, các hộ nuôi ba ba gai, ba ba Nam Bộ và rùa câm ở xã Đại Sơn vẫn phải thực hiện các quy định về quản lý nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

PV