Chuyện làng
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:49, 08/03/2020
Quán bà Sự dưới gốc đa đầu làng lúc nào cũng đông khách. Quán của bà vừa là nơi chờ đợi, vừa là nơi tụ tập để người ta trò chuyện, “buôn dưa lê”. Tính bà Sự xởi lởi, xuê xoa, hay chuyện. Trên giời, dưới đất, trong xã, ngoài làng… chuyện gì bà cũng biết. Chẳng như một số người của làng có biệt danh theo nghề, theo sau tên chính của mình như “Chõe bò”, “Nga vịt”, “Tư toác”…, bà Sự được dân làng đệm cho chữ “Thời” đằng trước thành biệt danh bà “Thời Sự”. Nhiều tin vịt bà Sự cũng làm cho nó nóng lên y như thật. Ngay như cái chuyện vợ chồng nhà "Chõe bò" không ngủ được với nhau bà cũng biết và rỉ tai bà Hòa “Em nói chỉ bà biết thôi đấy nhé. Cấm được kể với ai nữa kẻo nhà nó chửi cho thì chết”. Rồi bà Nguyệt đến, vui mồm bà cũng rỉ tai như thế. Cứ thế, bà rỉ tai đến cả chục người trong làng.
Sớm nay, vừa dọn hàng, bà Sự vừa nói với mấy người khách mới đến: “Các bác có biết gì không?”. “Chuyện gì thế? Bà có tin mới chào buổi sáng à?”. Mấy vị khách thì thào hỏi. “Phải! Nhà Chõe bò mới mua con tắc te đấy!”. “Con tắc te?. Tắc te là con gì thế?”. Mọi người ngạc nhiên. Bà “Thời Sự” thủng thẳng: “Cái máy gì mà nó nổ cồng cộc cày bừa ngoài đồng đấy? Các vị không biết à? Ông ấy phải đổi cả nửa đàn bò mới được cơ đấy”.
Lão Hòe suýt nữa sặc thuốc lào vì cái thông tin nọ. “Rõ khổ! Cái công nông làm đất chứ có phải máy kéo tắc te gì mà bà rõ là lắm chuyện”. Rồi mọi người cùng xúm vào bàn tán rôm rả. “Cả cái làng này đếch ai bằng nhà Chõe bò”. “Lão ấy củ mỉ củ mì thế mà làm kinh tế giỏi thật”. “Cả xã này đã ai bằng nhà lão ấy chưa? Đàn bò nhà lão đấy! Bò mẹ, bê con đông đàn dài lũ nhá”. “Cái đận có dịch lở mồm, long móng tưởng nhà lão ấy sạt nghiệp. Ai ngờ đàn bò nhà Chõe vẫn cứ hiên ngang tồn tại mới oách chứ”. “Tại lão chịu học hỏi, áp dụng quy trình khoa học, kỹ thuật mà”. “Thì thế nhà lão mới giàu”. “Đận này, lão ấy lại đi trước làng xã rồi. Dám bán một lúc mấy con bò để lên con tắc te thì chuyện chẳng phải vừa đâu”. “Cày bừa ruộng nhà lão là chuyện nhỏ thôi nhé, lão ấy mua máy kinh doanh đấy. Rồi các vị xem. Không phải thế thì tôi cứ bé bằng con kiến”…
“Công nhận cái lão Chõe bò này Do Thái thật"- bà Thời Sự xen vào - "Dưng mà, cũng phải công nhận nữa là cái chủ trương dồn điền, đổi thửa quá đúng các bác nhỉ? Đồng rộng, ruộng to máy mới chạy được chứ”.
Thế là câu chuyện lại được chuyển hướng sang việc dồn điền, đổi thửa. Vừa lúc đó, lão Phách có việc gì đó đi buông một câu khá nghịch nhĩ: “Chỉ được cái lắm chuyện. Dồn với chả đổi!”. Bà “Thời Sự” nghe tiếng, đon đả: “Con mời cụ dừng chân vào xơi nước đã”. “Không dám! Tôi không có thời gian”. Lão Phách vừa nói vừa bỏ đi. Mọi người cùng nhìn theo dáng lão đi về cuối con đê. Bà "Thời Sự" nói: “Chạm nọc cụ ấy đấy. Cả làng này giờ còn mỗi nhà cụ ấy là nhiều ruộng nhất thôi”. “Có mà nhiều! Nhiều mảnh thì có”. “Thì thế!”.
Lão Phách năm nay hơn bảy mươi tuổi, đúng là lão nông tri điền. Da thịt lão săn chắc, đỏ au. Bước chân lão vâm váp, chắc nịch. Suốt ngày lão ngoài đồng. Không có việc gì lão cũng cứ ra đồng ngắm cây lúa, cây khoai. Cái cuốc luôn trên vai lão. Hôm nay cũng thế, lão lại vác cuốc ra ruộng mặc dù lúa đã chín vàng sắp gặt đến nơi cả rồi.
Lão Phách rất bảo thủ. Ai đời dân làng người ta chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ liên tục thế mà lão vẫn cứ bắt con cháu cấy trồng mấy thứ giống từ đời nảo đời nào. “Tôi chả dại - lão nói - Mặc ai lúa lai mới lại giống mới, tôi cứ cái anh bao thai, mộc tuyền mà giã. Vừa đỡ tốn phân gio lại gạo ngon, cơm dẻo”. Thế nên, ruộng người ta gặt từ đời tám hoánh, đã đặt ngô bầu đâu cả đấy rồi mà ruộng nhà lão thì lúa vẫn le ve xanh rì. Trưởng thôn đến giải thích, các đoàn thể đến vận động rằng “cụ nên để con cháu thực hiện theo kế hoạch sản xuất của xã cho đồng bộ, năng suất cao” song nhất định lão không nghe. “Ruộng tôi tôi làm. Ông Mác chẳng đã từng bảo: Hãy để cho nông dân suy nghĩ trên mảnh ruộng của họ là gì? Bây giờ ruộng đất của tôi phải cho tôi tự chủ chứ”. Lão ấy viện cả Các Mác ra thì… Bà “Thời Sự” nghe chuyện chép miệng: “Đã dốt lại cứ hay nói chữ. Đúng là đồ lẩm cẩm!”.
Cái chuyện dồn điền, đổi thửa cũng vậy, lão cứ khư khư quan điểm ruộng tôi tôi làm, chẳng phải dồn, phải đổi cho ai cả. Mấy người con của lão bực lắm, nhất là anh út Nhịp. Anh này ở chung với lão. “Mày có biết mảnh ruộng cánh đồng Sung có cái gì không? Không à? Mảnh ấy tuy có ba thước thôi nhưng mà ở đó tao chôn cái thẻ ruộng từ ngày được chia ruộng đấy nhá. Bao nhiêu máu xương mới có được thước đất đấy con ạ”. Anh con cự nự: "Thì con có bảo cho ai hay bán đi đâu. Chẳng qua đổi cho nhà Chõe, mình về khu Mả mới cho nó liền vùng liền thửa dễ cày bừa cơ mà!”. “Không được. Khó vẫn phải làm. Các anh bây giờ chỉ được cái ăn xổi ở thì. Tao cấm. Ai đổi mặc ai. Ai dồn kệ ai. Nhá!”.
Mấy năm nay, làng Cò thay đổi đến chóng mặt. Đường làng, ngõ xóm đều bê tông hóa, đi lại cứ ngon ơ. Nhà nào nhà nấy đua nhau xây dựng. Có nhà lên đến ba tầng, bốn tầng. Giữa khu vườn sum suê cây trái nổi bật lên căn hộ đẹp như thế có kém gì biệt thự của mấy vị đại gia. Trong nhà đồ đạc toàn những thứ đắt tiền. Ti vi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt đâu còn là chuyện lạ với người dân làng Cò. Người ta bảo cái giàu đó là nhờ đường lối đổi mới của Đảng. Chả thế lại không ư? Đảng bảo chuyển dịch cơ cấu, hướng dẫn dân xóa đói, giảm nghèo này. Đảng bảo dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lớn này. Rồi xóa nhà tạm, quy hoạch thị trấn, thị tứ. Đảng lại có hẳn một nghị quyết chuyên về “tam nông”... Bà “Thời Sự” liên mồm ngợi ca những chủ trương, chính sách đó.
Làng xã đổi thay là thế, thế mà nhà lão Phách vẫn bảo thủ cố hữu. Lý ra lão phải giao quyền chủ hộ cho con út để anh ấy chủ động công việc. Đằng này, ở với con mà lão cứ sợ con đi chệch hướng của mình. Lão cấm không cho con cháu làm thuê cho ai. “Đời tao đã khổ rồi, làm thuê ở đợ cho người ta mãi rồi. Chúng bay bây giờ không phải làm thuê cho ai cả. Có chết đói cũng phải giữ cái điều ấy”. Lão đe dặn con cháu như thế. Chẳng bù cho mấy hộ chao chác tính toán. Vừa giao đất hôm trước, hôm sau họ đã chuyển nhượng hoặc khoán lại cho người khác để lấy vốn mở rộng nghề chuyên sâu của mình rồi. “Ruộng bề bề chẳng bằng nghề trong tay”. Họ bảo các cụ đã dạy thế. Đấy là chuyển dịch cơ cấu đấy. Đằng này, lão Phách nghề ngỗng chẳng có, chuyển dịch chẳng dám, lại còn cấm con cháu làm thuê nữa. Thế nên, những lúc nông nhàn con cháu lão cứ lông nhông chơi dài. Mãi gần đây mới nghe nói mấy đứa cháu gái lão đi làm công ty.
Một hôm, bà "Thời Sự" đang dọn hàng về nghỉ thì phía cánh đồng Sung nhốn nháo tiếng cãi nhau. Quái lạ, không biết có chuyện gì mà sẩm tối rồi vẫn còn to tiếng thế cơ chứ. Bà Sự muốn chạy ra đó lắm nhưng bỏ hàng quán không đành. Mãi sau, bà Bình ngoài đó về qua, bà Sự túm lại hỏi: “Có chuyện gì vậy bà?”. “Rõ khổ cho cái nhà ông Chõe. Làm phúc phải tội bà ạ”. “Phúc tội thế nào, bà nói rõ ra xem sao?”, bà Sự sốt ruột. Bà Bình kể: “Anh Nhịp nhờ ông Chõe tiện cái tắc te cày luôn cho mảnh ruộng nhà ông ấy. Chẳng ngờ lão Phách vác cuốc đi qua thấy liền chạy đến can ngăn. Lão cứ một điều bắt đền, hai điều bắt đền, yêu cầu ông Chõe trả lại nguyên trạng cái ruộng cho nhà lão. Bà bảo bố ông Chõe sống lại liệu có làm được như thế không? Anh Nhịp tức ông bố quá gào lên chứ có ai đánh chửi nhau gì đâu. Dân làng thấy lạ xúm lại xem. Mỗi người mỗi câu khuyên giải mãi lão Phách mới chịu đấy”.
Thời gian sau, người ta thấy lão Phách ít ra đường, ra đồng hơn trước. Thì ra, nghe tin mấy đứa cháu gái của lão đi làm phục vụ cho nhà hàng trên phố chứ không phải công nhân công ty gì nên lão xấu hổ với dân làng. Cái quan điểm không làm thuê cho ai của lão đã đổ vỡ hoàn toàn. Lão giận lũ cháu, hận luôn cả bản thân lão. Rồi lão lăn ra ốm.
Dân làng có kẻ gợi chuyện, dò la tin tức lão Phách từ bà Sự song bà chỉ lấp liếm qua loa: “Ôi dào! Có chuyện gì đâu. Người ta đi làm, con cháu cụ ấy cũng đi làm. Miễn là lao động chính đáng thì sao mà phải bàn với tán. Tôi là chúa ghét kiểu buôn chuyện làm ảnh hưởng gia đình nhà người ta”. Thế là người kia im tịt.
Chiều nay, giao quán nước cho đứa cháu gái trông, bà Sự xách cái túi trong có cân đường, hộp sữa đến nhà lão Phách. Thấy anh Nhịp đang quét sân, bà Sự chào: “Nghe tin cụ nhà mệt, tôi đến thăm cụ tí chút”. Anh Nhịp niềm nở đón bà Sự. Cụ Phách thấy vậy vội nằm quay mặt vào trong. Vén chiếc màn, bà Sự ngồi xuống phía đuôi giường. “Cụ mệt à? Có ăn uống được gì không hả cụ?”. “Cảm ơn bà! Tôi cũng chỉ mệt qua quýt thôi”. “Con nghe tin cụ mệt đến thăm cụ đây. Có cân đường, hộp sữa biếu cụ bồi dưỡng cho mau khỏi ạ”.
Vừa lúc đó, ông Chõe cũng tới. Lão Phách mở to đôi mắt nhìn ông Chõe. Nắm lấy bàn tay khá lạnh của lão Phách, ông Chõe vừa nắn nắn bóp bóp vừa hỏi thăm. Lão Phách cảm động nói: “Cảm ơn ông Chõe! Xin ông bỏ quá cho tôi cái chuyện hôm nọ nhá”. “Chẳng có chuyện gì đâu cụ ơi! Cụ cứ nghỉ cho khỏe. Mọi việc con cháu chúng nó lo. Đâu sẽ khắc vào đấy cả mà”. “Có lẽ thế thật. Tôi phải giao cho bố Nhịp nó thay tôi thôi. Già rồi. Lẩm cẩm rồi. Níu kéo mãi hỏng hết việc của chúng nó. Đấy, phải học nhà anh Chõe này này, bố Nhịp ạ”.
Anh Nhịp đáp lời bố: “Thì con chả bảo ông mãi đấy rồi còn gì, ông cứ chẳng tin”. “Thì bây giờ tôi tin”. Lão Phách nhệch miệng cười cười. Bà Sự lên tiếng: “Cụ yên tâm đi. Lớp con cháu bây giờ khá lắm. Ăn được, nói được, làm được. Mà chúng nó làm được nhớn đấy cụ nhé. Mai cụ khỏi, con bảo ông Chõe đây cho cụ cưỡi “tắc te” lượn một vòng quanh làng cho cụ thấy sự đổi thay của làng ta cho cụ sướng. Được không cụ?”.
Mặt lão Phách rạng rỡ hẳn lên, cười khùng khục át cả cơn ho...
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU