Tự hào áo dài Việt Nam

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:20, 08/03/2020

Từ ngày 2-8.3, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động phái đẹp cả nước mặc áo dài.

Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam" nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 và 90 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20.10.

Hưởng ứng lời phát động này, Hội Phụ nữ nhiều nơi đã có những hoạt động ý nghĩa. Từ việc tổ chức các cuộc thi ảnh đẹp áo dài đến việc phát động các chị em mặc áo dài khi đi làm, trong các hội nghị, sự kiện trong gia đình, xã hội nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chiếc áo dài và khẳng định chủ quyền áo dài của Việt Nam. 

Từ bao đời nay, áo dài đã được coi là quốc phục của nước ta. Hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài đã thành quen thuộc trong mỗi dịp trọng đại của đời người. Trong buổi lễ tốt nghiệp thời học sinh, sinh viên, các nữ sinh duyên dáng trong tà áo dài trắng. Đến khi trưởng thành, chiếc áo dài trở thành lễ phục trong ngày dạm ngõ, ăn hỏi, ngày cưới.

Rồi bất kỳ ngày lễ, Tết nào trong năm, hay trong các hội nghị, sự kiện lớn... chiếc áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu với phụ nữ Việt Nam. Khoác trên mình chiếc áo dài, dù là người phụ nữ cao hay thấp, béo hay gầy cũng đều cảm thấy trang trọng, đẹp đẽ hơn và thêm yêu, tự hào về trang phục truyền thống.

Vậy mà một thương hiệu thời trang hàng đầu của Trung Quốc đã từng ra mắt bộ sưu tập với hàng loạt những chiếc áo dài giống hệt với áo dài của nước ta. Cách đây hơn chục năm, tại một bảo tàng ở Tokyo (Nhật Bản) diễn ra một cuộc triển lãm về lịch sử trang phục Trung Quốc.

Trong một tủ kính ở đây họ trưng bày bộ trang phục áo dài lụa, có cả đôi guốc mộc và nón lá. Dư luận trong nước sục sôi, người dân bức xúc bởi sự chiếm đoạt trắng trợn về văn hóa, có người ví đó như là "đường lưỡi bò" trong văn hóa. 

Nhân sự việc này, cần nhìn lại chúng ta đã làm gì để giữ gìn chiếc áo dài và tuyên bố với thế giới về chủ quyền chiếc áo dài là của Việt Nam. Người ta thường nói cái gì của mình thì mình phải giữ lấy.

Chiếc áo dài cũng vậy. Đó là văn hóa của dân tộc Việt, mỗi người con đất Việt phải biết giữ lấy. Nhưng trong suốt thời gian qua, không phải ai cũng ý thức được điều này. Chúng ta coi chiếc áo dài có từ xa xưa, chúng ta thường xuyên mặc thì đương nhiên đó là vật sở hữu, vật gia truyền của mình. 

Người bạn tôi ở Hàn Quốc nói rằng trang phục truyền thống hanbok của họ đại diện cho những giá trị truyền thống lâu đời và văn hóa của người Hàn Quốc. Mỗi người dân Hàn Quốc đều sở hữu ít nhất một bộ hanbok để mặc vào các dịp đặc biệt như ngày đầu năm mới, sinh nhật, lễ cưới. Trang phục này còn được mặc trong tang lễ và nghi thức tôn giáo.

Còn ở Việt Nam, không phải chị em nào cũng có một bộ áo dài trong tủ đồ có khi luôn chật cứng bởi mốt nọ mốt kia. Một số chị em còn ngại mặc áo dài trong những ngày lễ vì cho rằng không tiện lợi, rườm rà. Có những ngôi sao nổi tiếng lại mặc áo dài theo kiểu rất phản cảm... Các chuyên gia về văn hóa đã từng lên tiếng áo dài là văn hóa mặc của người Việt, muốn giữ được văn hóa đó bạn phải mặc. Mặc áo dài không chỉ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Mỗi người Việt Nam từ già đến trẻ nhỏ đều nên có chiếc áo dài trong tủ quần áo để có thể mặc thường xuyên hơn. 

Bên cạnh kêu gọi ý thức giữ gìn, phát huy giá trị chiếc áo dài từ phía người dân, các cơ quan trong và ngoài nước có thể tổ chức nhiều hơn các lễ hội, các cuộc thi quảng bá hình ảnh áo dài, mời bè bạn các nước đến để trực tiếp trải nghiệm, mặc áo dài. Qua đó có thể quảng bá tà áo dài Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Văn hóa chỉ được bảo tồn, phát huy giá trị khi nó sống trong đời sống hằng ngày, được mọi người biết đến.

NGÂN HẠNH