Nhà thơ Tố Hữu với bài thơ "Bác ơi!"
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:58, 08/03/2020
Tố Hữu là nhà thơ lớn có nhiều bài thơ về Đảng, Bác Hồ, gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước. Vào những ngày tháng 9.1969, nhà thơ Tố Hữu cũng ốm yếu phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Vì thế, lúc Bác ốm nặng, Trung ương vẫn không báo sớm tin buồn đến ông. Mãi đến gần trưa 2.9, mới có xe đi đón nhà thơ từ bệnh viện về thẳng Phủ Chủ tịch, mặc dù lúc đó Tố Hữu còn rất yếu. Trở về nhà trưa hôm đó, nước mắt ông lưng tròng. Nhà thơ không nói gì, đi thẳng vào phòng mình, khóa trái cửa lại. Bà Thanh (vợ của nhà thơ) rất lo cho bệnh tim và huyết áp của ông. Không cầm lòng được, bà khẽ gọi cửa xin vào, đem theo chiếc khăn và nước uống. Thấy bà, ông nghẹn ngào: “Em ơi, Bác đi rồi!”. Lát sau, bình tâm lại, ông bảo: “Em ra lo cơm nước cho cả nhà đi!”. Bà Thanh hiểu ý chồng muốn ngồi một mình để viết nên đành lui ra. Thế là trưa hôm đó, nhà thơ Tố Hữu không ăn uống gì, hối hả viết bài thơ “Bác ơi!”, vừa viết vừa lau nước mắt.
“Suốt mấy đêm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa”.
Cứ theo mạch nguồn tình cảm dào dạt và sâu sắc đối với Bác, nhà thơ Tố Hữu viết bài “Bác ơi!” với mười ba khổ thơ trong thời gian rất ngắn. Bài thơ được ông đọc và truyền đi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đúng vào ngày cả nước khóc tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng. Những tình cảm đặc biệt của nhà thơ đối với Bác dồn nén trong suốt bao năm theo Người trên con đường cách mạng đã cho ông sự sáng tạo tuyệt vời trong trường ca “Theo chân Bác” viết tiếp ngay sau ngày Bác đi xa...
Như vậy là cùng với những bài thơ hoàn chỉnh về Bác như “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng năm”, “Bác ơi!”, “Theo chân Bác”… trong rất nhiều bài thơ khác, hình ảnh Bác Hồ luôn được nhà thơ Tố Hữu liên tưởng tới, sống mãi trong đời sống tinh thần và nền thơ ca Việt Nam.
TRỌNG NGUYỄN (st)