Chứng khoán giảm mạnh nhất 19 năm

Kinh tế - Ngày đăng : 17:19, 09/03/2020

Lần gần nhất, VN-Index giảm 6,3% như phiên hôm nay là năm 2001, nhưng khi đó cả sàn chứng khoán chỉ có 5 mã cổ phiếu.

Nếu mở bảng giá chứng khoán ngày 9.3, nhà đầu tư sẽ không nhìn thấy lệnh mua nào trong nhóm giảm mạnh nhất VN30. 22 trong số 30 mã bluechip trong nhóm VN30 giảm sàn, trong đó có 19 mã không một lệnh mua nào vào cuối phiên, chiếm trọn cả một màn hình giao dịch.

Phần lớn cổ phiếu trong VN30 không có một lệnh mua nào trong phiên 9/3. Ảnh: Minh Sơn.

Phần lớn cổ phiếu trong VN30 không có một lệnh mua nào trong phiên 9.3

Sắc đỏ lan rộng và phủ khắp toàn bộ các nhóm ngành. Đến cuối phiên, HoSE ghi nhận 386 mã giảm với quá nửa là giảm sàn. Chỉ có 34 mã còn giữ được sắc xanh. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với những phiên cuối tuần trước.

Chốt phiên giao dịch ngày 9.3, VN-Index giảm gần 56 điểm, tương đương 6,28%, xuống 835,49 điểm. VN30-Index giảm 6,35% còn 782,85 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 6,44%, trong khi UPCOM-Index cũng giảm 5,32%. 

Biên độ giảm của phiên hôm nay được giới phân tích đánh giá là "nghiêm trọng nhất" trong lịch sử ngành chứng khoán.

Lần gần nhất VN-Index giảm mạnh là sự kiện Biển Đông năm 2014 nhưng mức giảm khi đó chỉ là 5,89%. Nếu xét về biên độ, phiên giảm ngày 9.3 chỉ đứng sau ba phiên giao dịch năm 2001 là ngày 10.9.2001 (giảm 6,89%), 3.10.2001 (giảm 6,45%) và 1.10.2001 (giảm 6,3%). Tuy nhiên, mức độ tương quan giữa phiên hôm nay và năm 2001 là hoàn toàn khác, bởi khi đó, cả thị trường mới chỉ có 5 mã chứng khoán và VN-Index chỉ hơn 200 điểm.

VN-Index ngày 9/3 giảm 6,28%, đi vào lịch sử ngành chứng khoán là một trong những phiên tồi tệ nhất. Ảnh: Minh Sơn

VN-Index ngày 9.3 giảm 6,28%, đi vào lịch sử ngành chứng khoán là một trong những phiên tồi tệ nhất

Bộ phận Tư vấn đầu tư của VNDirect nói: "Dịch bệnh xuất hiện lần đầu ở Hà Nội và một số địa phương là một thông tin bất lợi khi tâm lý giới đầu tư đang yếu. Họ phản ứng với thông tin bất lợi theo cách bi quan hơn".

Ngoài ảnh hưởng tâm lý từ Covid-19, diễn biến tiêu cực của giá dầu cũng tạo tác động mạnh, đặc biệt với nhóm dầu khí. Một loạt cổ phiếu trong nhóm này, từ những cái tên trong VN30 như PLX, GAS cho tới những mã thu hút dòng tiền như PVS, PVD, PVB đều giảm sàn, không có dấu hiệu hồi phục dù thị trường từng thu hẹp đà giảm giữa phiên sáng.

"Khác với những lần giảm trước do thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư đang chịu tác động mạnh do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước. Sắc đỏ cũng lan rộng toàn thị trường, thay vì một nhóm cổ phiếu cụ thể", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho biết.

Theo ông Minh, rủi ro lớn nhất hiện nay là không ai có thể lường trước được diễn biến tiếp theo của dịch bệnh sẽ ra sao. Chuyên gia này cũng cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm đến việc quản trị rủi ro danh mục, đánh giá thị trường theo xu hướng thay vì cố dự báo Index sẽ ở mức bao nhiêu điểm.

"Thị trường đang sụt giảm mạnh như hiện tại, dự đoán khi nào dừng giảm là rất khó. Chúng tôi chọn lắng nghe thị trường, khi nào tâm lý bình ổn và thị trường cân bằng trở lại mới có cơ sở để đưa ra quan điểm", nhóm phân tích VNDirect cho biết và cũng từ chối dự báo về xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

Diễn biến bất thường của phiên hôm nay cũng làm sai lệch mọi dự đoán trước đó. VN-Index hiện đã lùi sâu dưới vùng hỗ trợ gần nhất là 880 điểm và đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017.

Theo VnExpress