Tịch thu, đấu giá xe tạm giữ quá 30 ngày có khả thi?
Pháp luật - Ngày đăng : 11:57, 10/03/2020
Phương tiện bị tạm giữ lâu dẫn đến bị hỏng, cũ nát, gây lãng phí
Tại phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hồi tháng 12.2019 vừa qua, Bộ Công an đề nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng rút ngắn thời gian ra quyết định tịch thu, bán đấu giá các phương tiện bị tạm giữ xuống còn 30 ngày thay vì 1 năm như hiện nay. Đề xuất này liệu có khả thi?
Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định. Quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành...
Như vậy phải chờ hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, cơ quan, người có thẩm quyền mới được thực hiện thủ tục xử lý phương tiện. Thời gian tạm giữ kéo dài trong khi việc bảo quản xe tạm giữ gặp khó khăn. Hiện nay, đa số các điểm tạm giữ phương tiện đều đã quá tải, nhiều đơn vị phải đi thuê hoặc nhờ điểm giữ phương tiện.
Theo thiếu tá Nguyễn Quang Hưng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Bình Giang), đơn vị hiện giữ 19 xe tự chế và hàng trăm xe mô tô tồn đọng. Ngoài các bãi xe của đơn vị, Công an huyện phải mượn địa điểm của cơ quan thuế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện làm nơi tạm giữ phương tiện. Có những chiếc xe đã nằm tại bãi rất lâu, bụi, mốc bám kín, trở thành khối sắt vụn.
Tại huyện Tứ Kỳ, Công an huyện phải thuê các điểm trông giữ phương tiện. Chi phí lưu bãi lớn trong khi các phương tiện thanh lý, đấu giá có giá trị thấp. Bị tạm giữ lâu nên nhiều phương tiện không thể vận hành, hỏng, cũ, gây lãng phí.
Để giải quyết bài toán trên, Bộ Công an kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan theo hướng: Mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 10 điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.
Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.
Đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp. Đối với phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện không đến nhận lại thì cần có quy định để rút gọn các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh hư hỏng, tồn đọng phương tiện...
Luật sư Chu Thanh Nhân, Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến (TP Hải Dương) cũng đồng tình với đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian, thủ tục xử lý phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ. Song luật sư Chu Thanh Nhân cho rằng, cần cân nhắc thời gian ra quyết định tịch thu, đấu giá.
Luật sư Nhân phân tích tịch thu phương tiện là một hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Hoặc trường hợp trong quá trình phương tiện bị tạm giữ quá hạn, người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.
Hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục thông báo, niêm yết công khai. Trong thời hạn quy định kể từ ngày thông báo, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện theo quy định.
Tuy nhiên, công dân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính. Thời gian khiếu nại, khởi kiện có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Hơn nữa, nếu phương tiện là tang vật của vụ án thì thời gian tịch thu phương tiện trong vòng 30 ngày là chưa phù hợp.
Việc người vi phạm giao thông "bỏ của chạy lấy người" không phải là câu chuyện mới. Giải pháp nào để giải quyết tận gốc vấn đề không hề đơn giản. Với đề xuất rút ngắn thời gian, thủ tục xe thanh lý, đấu giá cần nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, phân định rõ từng trường hợp để bảo đảm việc thực thi quy định pháp luật hiệu quả.
HÀ NGA