Lao động từ 15-18 tuổi: Sẽ được làm thêm giờ, làm vào ban đêm
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 16:43, 12/03/2020
Một lao động 16 tuổi làm nghề gia công túi xách tại ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang
Ngoài ra, một số công việc giản đơn đang sử dụng khá phổ biến lao động tuổi 15-18 hiện nay cũng sẽ bị cấm trong thời gian tới như phân loại rác thải, chất thải, phế liệu, ve chai...
Đây là một trong danh mục 88 ngành nghề, công việc, nơi làm việc cấm sử dụng lao động từ 15-18 tuổi và 6 ngành nghề, công việc cho phép lao động chưa thành niên có thể làm thêm giờ, làm vào ban đêm đang được Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi ban hành theo đề xuất của cục trưởng Cục An toàn lao động.
Cấm làm việc nặng nhọc, môi trường làm việc nguy hiểm
Theo Bộ LĐTBXH, các nơi làm việc, chỗ làm việc sẽ bị cấm sử dụng lao động từ 15-18 tuổi là những môi trường làm việc ảnh hưởng đến sự phát triển của lao động chưa thành niên như môi trường làm việc có độ rung, ồn, bụi silic, bụi bông... Các môi trường công việc tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm, làm việc 4 giờ/ngày trong không gian gò bó, chật hẹp.
Đáng lưu ý trong số 88 công việc, nơi làm việc cấm lao động từ 15-18 tuổi tham gia, Bộ LĐTBXH dự kiến cấm trẻ chưa thành niên tham gia công việc sơ chế các sản phẩm tre, nứa, mây, cói có sử dụng hóa chất độc hại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý từ các bộ, ngành cho rằng thực tế nhiều cơ sở, doanh nghiệp gia đình chế biến tre, nứa, mây, cói thủ công bằng tay không sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế sản phẩm nên có thể sử dụng lao động chưa thành niên.
Mặt khác, các làng nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, mây, cói phục vụ xuất khẩu đang sử dụng khá phổ biến lao động chưa thành niên trong việc tham gia sản xuất các sản phẩm tre, nứa, mây, cói để tăng thu nhập cho gia đình. Vì vậy, nên bỏ công việc sơ chế mây, tre, nứa, cói khỏi danh mục cấm.
Được làm thêm giờ, làm vào ban đêm
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - cho biết thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ lần đầu tiên ban hành quy định danh mục ngành nghề, công việc người từ 15-18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
Theo đó, lao động chưa thành niên được làm thêm giờ, làm vào ban đêm các công việc nghệ thuật, thể dục thể thao trong thời gian tham gia biểu diễn, thi đấu; các công việc phải làm thủ công mỹ nghệ tại gia đình như đan lát, đan chiếu cói; nghề làm nước mắm; nghề làm bánh tráng; các công việc trong lĩnh vực dệt may.
Ông Nhưỡng giải thích việc ban hành danh mục công việc được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm xuất phát từ nhu cầu của các địa phương. Các tỉnh, thành như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng đề xuất sử dụng lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là do tình trạng thiếu hụt lao động tại địa phương.
Hơn nữa tính chất các nghề trên phù hợp với sức khỏe lao động, điều kiện lao động tại địa phương. Ông Nhưỡng cho biết thêm Sở LĐTBXH tỉnh Tây Ninh đề xuất cho lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm đêm ở cả hai ngành nghề may mặc và da giày. Nhưng bộ không chấp nhận làm thêm giờ, làm đêm trong ngành da giày vì lao động chưa thành niên phải tiếp xúc với môi trường độc hại và có hóa chất.
Sẽ tăng cường giám sát
Giám sát việc sử dụng lao động chưa thành niên tại các địa phương sẽ do sở LĐ-TB&XH các tỉnh phối hợp với sở y tế, liên đoàn lao động các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát. Các chủ lao động vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự trong trường hợp cần thiết.
Theo ông Vũ Minh Đạo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Quốc hội), hằng năm căn cứ tình hình thực tế, ủy ban sẽ lựa chọn chủ đề giám sát việc thực thi chính sách về quyền trẻ em, trong đó có giám sát việc sử dụng lao động trẻ em. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, HĐND các tỉnh, thành sẽ có những chương trình giám sát cụ thể liên quan tới lao động trẻ em.
Ông Vũ Minh Đạo nhấn mạnh các doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài cũng phải tuân thủ cam kết các hiệp định thương mại đã ký kết như CPTPP, EVFTA.
Hoạt động cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa hiện nay đều quy định phải có chứng nhận liên quan tới lao động trẻ em, lao động chưa thành niên. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được việc không sử dụng trẻ em tham gia các khâu sản xuất hàng hóa sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm.
Theo Tuổi trẻ