Doanh nghiệp viễn thông đồng hành cùng trường học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 20:17, 13/03/2020
Kỹ thuật viên của Viễn thông Hải Dương hướng dẫn giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) sử dụng phần mềm VNPT E-Learning
Nhiều ứng dụng mới
Năm 2019, Viettel Hải Dương đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hệ thống quản lý nhà trường (SMAS). Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, phần mềm này đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các trường có thể quản lý hồ sơ, phân công chuyên môn, sổ điểm, xếp loại học sinh, tổ chức các kỳ thi… Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 900 trường học đã nhập dữ liệu lên hệ thống phần mềm SMAS.
Phần mềm này còn giúp phụ huynh học sinh tra cứu bài giảng, điểm học, điểm thi của con em mình qua internet hoặc điện thoại. Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết: "Phần mềm SMAS giúp tôi quản lý việc học của các con dễ dàng hơn. Chỉ cần vào app SMAS trên điện thoại, tôi có thể biết điểm thi từng môn của con mà không phải đợi giáo viên chủ nhiệm thông báo vào cuối học kỳ".
Ngoài chức năng tra cứu tài liệu, bài giảng, điểm thi... phần mềm SMAS còn giúp nhà trường tổng hợp, báo cáo các số liệu thống kê theo yêu cầu của các cấp quản lý. Với tính năng chia sẻ thông tin, các dữ liệu có thể được tích hợp vào cổng thông tin điện tử hoặc website của các trường nhằm phục vụ công tác tra cứu.
Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà) có khoảng 382 học sinh. Trước đây, việc theo dõi sĩ số, nhập điểm, nhận xét các môn học, ghi sổ liên lạc… giáo viên đều phải viết bằng tay vào những cuốn sổ được in sẵn theo mẫu. Công việc này tốn nhiều thời gian của giáo viên và gây khó khăn cho công tác quản lý. Từ năm học 2016-2017, nhà trường đưa ứng dụng vnEdu của VNPT vào trường học.
Tất cả những phần việc trên đều được giáo viên thao tác trên máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet nên chỉnh sửa dễ dàng, tiết kiệm thời gian. Sau 9 năm triển khai ứng dụng vnEdu tại Hải Dương, hầu hết giáo viên tại 500 trường học trong tỉnh đã nhanh chóng cập nhật ứng dụng và sử dụng thành thạo.
Không chỉ giúp các trường quản lý hồ sơ, bài giảng và học sinh, phần mềm do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp còn tạo thuận lợi cho việc thu học phí, chi trả lương, phụ cấp... Cô giáo Phạm Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết: "Chúng tôi đang sử dụng ViettelPay để chi trả lương cho các cán bộ, giáo viên. Thay vì phải làm các thủ tục rườm rà, giờ đây chỉ chưa đến 1 phút là tôi đã có thể chuyển tiền lương cho toàn bộ cán bộ, giáo viên trong trường. Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với phụ huynh học sinh cài đặt ứng dụng này để thanh toán tiền học phí".
Chung tay phòng dịch
Nhằm kịp thời hỗ trợ việc dạy và học trong thời gian học sinh được nghỉ do dịch Covid-19, Viettel Hải Dương và Viễn thông Hải Dương đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, triển khai hệ thống học trực tuyến. Các khóa học online miễn phí từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được các giáo viên đưa lên hệ thống https://viettelstudy.vn của Viettel và hệ thống http://lms.vnedu.vn của VNPT để học sinh chủ động học tập và ôn luyện.
Mặc dù đang trong thời gian nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19 nhưng các giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vẫn có mặt đầy đủ tham gia tập huấn về hệ thống học trực tuyến. Một giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đạo cho biết phần mềm VNPT E-Learning là giải pháp giúp giáo viên có thể tương tác trực tiếp đến từng học sinh.
Thông qua hệ thống, giáo viên đánh giá được ý thức và kết quả học tập của từng em; nâng cao kỹ năng cho giáo viên trong ứng dụng công nghệ thông tin khi dạy học, thiết kế bài giảng, chuyển tải đề thi... Bên cạnh đó, học sinh còn có thể tự ôn tập, xem kết quả bài kiểm tra và trao đổi trực tiếp với giáo viên, các bạn trên phần mềm.
Đến nay, Viettel Hải Dương và Viễn thông Hải Dương đã tổ chức được trên 100 buổi tập huấn thu hút khoảng 4.000 giáo viên các trường tham gia. Nhiều trường đã đưa các phần mềm này vào sử dụng để giúp học sinh bổ sung kiến thức ngay tại nhà.
Ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Kênh khách hàng doanh nghiệp (Viettel Hải Dương) cho rằng: "Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức học trực tuyến đem lại nhiều thuận lợi cho học sinh. Mặc dù vậy, do hạ tầng công nghệ thông tin và nhân lực của các trường không đồng đều nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ mỗi trường ít nhất 1 đường truyền internet và miễn phí duy trì phần mềm SMAS. Hy vọng với cách làm này sẽ giúp các em học tập đỡ bị gián đoạn vì dịch bệnh".
ĐỖ QUYẾT