Nên tổ chức nhiều đợt thi THPT quốc gia?
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:19, 16/03/2020
Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm thu hút gần 1 triệu thí sinh cả nước tham dự để xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Với tính chất đó cộng với kỳ thi được tổ chức một năm một lần, nên học sinh dồn mọi tâm sức và xem như "kỳ thi cuộc đời" hay "trận đánh quyết định" sau 12 năm miệt mài đèn sách.
Và tháng 6 hằng năm (năm nay có thể tháng 8), khi kỳ thi đến lại có những câu chuyện cười ra nước mắt từ 38.000 phòng thi khắp cả nước (số liệu năm 2019). Đó là những thí sinh bị tai nạn giao thông, mổ ruột thừa, sốt, đau bụng... được xe bệnh viện chở đến trường thi và cắn răng chịu đau để làm bài.
Có thí sinh cha hay mẹ mất hôm trước, hôm sau vẫn gạt nước mắt cầm giấy bút đi thi. Hay những thí sinh miệt mài ôn thi cả năm, trước giờ thi mệt quá ngủ quên lại phải chờ đến năm sau mới được "lai kinh ứng thí". Vậy là xảy ra không biết bao nhiêu chuyện đáng tiếc, có khi ảnh hưởng đến cơ hội lập thân, lập nghiệp của không ít người.
Năm nay, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 quy định học sinh học hết phổ thông, dự thi và đạt thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Còn học sinh học hết phổ thông, không dự thi hoặc thi không đạt thì được hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Giấy này sử dụng để học nghề và "sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật".
Như vậy, thí sinh nếu chọn con đường học nghề thì không nhất thiết phải thi THPT quốc gia. Họ chỉ cần giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông là có thể chọn một nghề trong hệ thống các trường nghề đa dạng và rộng khắp cả nước hiện nay.
Còn thí sinh muốn vào đại học, "nút thắt" gặp phải ngoài kiến thức còn nằm ở kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT (bắt buộc) chỉ tổ chức mỗi năm một lần. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng là dịp để nhìn lại việc tổ chức thi THPT quốc gia, nên chăng tổ chức thành nhiều đợt trong năm?
Đầu tiên, có thể tính đến thi hai đợt, sau đó theo lộ trình có thể tăng lên ba hay bốn đợt mỗi năm. Khi ấy, số lượng thí sinh tham gia mỗi đợt được chia nhỏ sẽ giảm áp lực cho công việc tổ chức, giám sát và những thí sinh bị lỡ kỳ thi cũng không phải chờ đến năm sau mới có thể dự thi.
Sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho thí sinh, khi nào cảm thấy sẵn sàng nhất về kiến thức, tâm lý và phong độ làm bài, họ sẽ đóng phí đăng ký "sát hạch" lấy bằng tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ngoài việc được thi lấy bằng tốt nghiệp THPT nhiều lần trong năm, các trung tâm khảo thí độc lập cũng làm nhiệm vụ đánh giá năng lực người học quanh năm ở các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ hay những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho ngành học đặc thù ở đại học.
Thí sinh chỉ cần đăng ký thi ở những trung tâm này và nộp kết quả cho những trường đại học để xét tuyển. Trung tâm nào làm nghiêm túc, trung thực, đánh giá đúng năng lực người học sẽ được các trường đại học ưu tiên sử dụng kết quả và ngược lại.
Và như vậy, với việc thi THPT quốc gia và đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nhiều đợt trong năm sẽ góp phần giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi cho người học rất nhiều trước "kỳ thi cuộc đời".
HÀ BÌNH