Bảo hiểm làm khó mùa COVID-19?

Kinh tế - Ngày đăng : 15:40, 16/03/2020

Dù báo chí đưa hàng loạt thông tin các bộ, ngành gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng thực tế nhiều công nhân không thể khám chữa bệnh do bị bảo hiểm khóa thẻ. Lý do: Doanh nghiệp chậm lương và bảo hiểm.


Nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất cần được hỗ trợ giãn thời gian nộp bảo hiểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng

Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc cố gắng hơn là cho luân phiên nghỉ phép. Việc chậm lương xuất hiện, nhưng cùng với đó, ngành bảo hiểm dường như bồi thêm khó khăn nữa cho người lao động là cắt chế độ khám chữa bệnh của họ.

Với doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng tôi, chuyên về hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải, xây dựng các công trình giao thông công cộng, với hơn 150 lao động, mỗi tháng phải đóng các khoản chi phí về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động... gần 400 triệu đồng. Đây là một khoản không hề nhỏ.

Kể từ khi diễn ra dịch bệnh, nhiều công trình phải tạm ngừng thi công. Một số công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa giải ngân, kéo theo đó là tình trạng chậm lương người lao động, chậm nộp các khoản BHXH. Đây là điều nằm ngoài mong muốn của doanh nghiệp.

Đáng nói là do việc chậm nộp trên mà tất cả mọi chế độ của người lao động không được giải quyết, thậm chí chiếc thẻ bảo hiểm y tế của người lao động cũng bị cơ quan bảo hiểm khóa lại, nhiều người lao động khi ốm đau không được bảo hiểm chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Với nhiều doanh nghiệp, việc cố không sa thải nhân viên, chậm nộp các khoản tiền chế độ về BHXH trong thời điểm "nhạy cảm" này là bất khả kháng. Đời sống của người lao động đã khó khăn nay lại không thể cầm chiếc thẻ bảo hiểm y tế của mình đi khám chữa bệnh là điều đáng sợ nếu chẳng may họ bị bệnh.

Chỉ thị 11 từ ngày 4.3 của Thủ tướng đã yêu cầu ngành bảo hiểm nghiên cứu giãn thời gian đóng bảo hiểm cho doanh nghiệp. Việc này cần hướng dẫn và thực thi ngay, đặc biệt là không khóa thẻ của người lao động.

Ngành thuế đã nhanh chóng thể hiện sự chia sẻ với người nộp thuế, dù còn nhiều điều cần bàn. Ngành BHXH cũng cần nhanh chóng chung tay, chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Việc gia hạn, kéo dài thời gian nộp BHXH ở mức độ đủ ý nghĩa sẽ giúp doanh nghiệp dần khôi phục, vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp vẫn phải đóng các quỹ ngắn hạn

Trao đổi với phóng viên chiều 15.3, đại diện BHXH VN cho biết dự thảo hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chỉ thị 11 của Thủ tướng riêng trong phạm vi giãn, chậm đóng BHXH đã hoàn tất, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Theo đó, hướng là các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 gửi hồ sơ lên BHXH các tỉnh thành để đề xuất việc giãn, chậm đóng bảo hiểm.

Thời gian được giãn, chậm đóng sẽ từ 6-12 tháng, nhưng chỉ cho phép chậm đóng với quỹ hưu trí và tử tuất, các quỹ ngắn hạn như bảo hiểm y tế doanh nghiệp vẫn phải đóng.

Vị đại diện này cũng cho biết theo dự thảo, thời gian được giãn, chậm đóng tính từ nay đến tháng 6-2020. Nếu sau tháng 6 tình hình còn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp có thể trình UBND các tỉnh thành để xem xét và có hình thức phù hợp tiếp theo.

Theo Tuổi trẻ