Vì sao giá xăng trong nước không giảm mạnh như thế giới?
Thị trường - Ngày đăng : 15:57, 16/03/2020
Ngày 15.3, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng dầu. Mỗi lít xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng, xăng RON95 hạ 2.315 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm 1.353 - 1.830 đồng một lít, tuỳ loại. Sau điều chỉnh xăng E5 RON92 ở mức 16.050 đồng một lít, xăng RON95 là 16.810 đồng, các mức giá thấp nhất kể từ tháng 7.2017.
Tuy nhiên, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang chứng kiến sụt giảm tới 30% những ngày qua. Tuần trước, Brent mất tới 25% - mạnh nhất kể từ năm 2008 do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận giải cứu giá dầu.
"Nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá thì giá mặt hàng này có thể giảm trên 3.000 đồng mỗi lít", ông Ma Đức Tú, Giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức nói. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà điều hành đã tính toán nhiều yếu tố mới quyết định mức trên để ổn định thị trường.
Ngày 15.3, mỗi lít xăng E5 RON92 được nhà điều hành trích 200 đồng vào Quỹ bình ổn, mức trích với xăng RON95 là 800 đồng. Nói cách khác, nếu không trích quỹ, giá hai mặt hàng xăng này sẽ hạ thêm lần lượt 200 đồng và 800 đồng mỗi lít.
Lý giải nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước không giảm sâu cùng nhịp với giá thế giới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết với quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam điều hành theo chu kỳ 15 ngày. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.
Nhân viên cây xăng ở góc đường Lê Thánh Tôn (TP HCM) bơm xăng cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Thành |
"Tình hình địa chính trị rất phức tạp, giả sử Nga và OPEC đạt được thoả thuận, giá dầu có thể bật tăng 30-40%, nên phải để dư địa cho kịch bản giá dầu tăng sốc trở lại", ông Đông nói.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy bình quân 15 ngày qua, có thời điểm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đã giảm rất sâu, nhưng có phiên giá lại bật tăng, như khi Mỹ tuyên bố tăng mua dầu cho dự trữ quốc gia. Vì thế với mức giá bình quân 15 ngày giảm 12-13 USD mỗi thùng so với kỳ điều hành ngày 29.2, mỗi thùng xăng RON 92 ở mức gần 48,7 USD, xăng RON95 50,35 USD...
Việc tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được đem ra bàn thảo nhiều lần trước đây. Hồi giữa năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị bỏ Quỹ này để giá mặt hàng này tiệm cận hơn với thế giới. Theo hiệp hội trên, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng mỗi lít theo quy định Nghị định 83 khiến người tiêu dùng "chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 8/2019, Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là "khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp". Uỷ ban này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tuy nhiên đề xuất này sau đó đã bị Bộ Công thương, Tài chính bác bỏ. Lãnh đạo Bộ này cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng.
Còn Bộ Tài chính thì lập luận vẫn cần Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.
Trở lại với kỳ điều hành giá ngày 15.3, ông Trần Duy Đông cho hay, giá xăng dầu hiện nay thực chất theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngoài Quỹ bình ổn, cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu còn gồm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, các loại thuế, phí... chiếm hơn 50% cơ cấu giá.
Đáng kể nhất trong cơ cấu thuế, phí xăng dầu hiện nay là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng là 3.000 đồng một lít, dầu diesel 1.500 đồng... Khi giá dầu càng giảm, tỷ trọng các loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường càng tăng lên. "Bộ Công Thương đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay", ông thông tin.
Chưa kể tỷ giá VND/USD nhập khẩu xăng dầu ở mức 23.300 VND một USD, cao hơn trên 1.000 đồng so với cách đây 1-2 năm. Với những nguyên nhân này, ông Đông nói "không thể so sánh cơ học giá dầu thô giảm sâu thì giá điều hành trong nước phải giảm theo tương ứng".
Trước đây, xăng dầu phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu (70%) do chỉ có duy nhất nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đi vào hoạt động. Nhưng, hiện nay, với việc có thêm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung. Trong khi đó, công thức tính giá xăng dầu hiện nay vẫn dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu.
Những hạn chế kể trên cũng đã được Bộ Công Thương nhận diện và đề xuất sửa đổi trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 đang được bộ này lấy ý kiến.
Giá xăng, dầu trong nước giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu. Nhiều đơn vị cho biết, họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi lượng tiêu thụ giảm tới 40%, doanh thu sụt 25% so với trước.
Theo ông Ma Đức Tú, doanh nghiệp ngoài chịu sức ép về giá giảm đột biến còn đang bị giảm doanh thu 20-25% trong hơn một tháng qua.
"Chúng tôi đang cắt giảm nhiều chi phí để cân bằng hoạt động, như chi phí quảng cáo, chi phí quản lý, nhân sự", ông Tú nói. Thêm vào đó, công ty cũng phải tối ưu chi phí lương cho cán bộ, công nhân viên ở mức hợp lý và giải thích cho họ hiểu để cùng vượt khó trong giai đoạn này.
Về phía doanh nghiệp bán buôn, Giám đốc 5 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương cho biết, công ty ông đang bị giảm tới 30% doanh thu trong tháng này so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải giảm đi lại, sản xuất thì cũng tạm ngưng nên hoạt động kinh doanh xăng dầu đang khá chật vật.
"Vì hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đang được điều chỉnh theo giá quy định của Chính phủ nên doanh nghiệp rất khó trong kinh doanh. Với diễn biến giá xăng dầu phức tạp như hiện nay, mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn", Giám đốc kinh doanh xăng dầu ở Bình Dương nói.
Ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tự lực I cũng cho biết lượng hàng tồn đang chứa đầy các kho. Để cắt lỗ và đẩy hàng tồn, doanh nghiệp này đã phải tăng mức chiết khấu cho các đại lý lên hơn 2.000 đồng một lít.
"Chiết khấu mỗi ngày một tăng nhưng sức tiêu thụ vẫn rất chậm, do loạt doanh nghiệp vận tải giảm tần suất chạy xe vì dịch bệnh. Giá dầu giảm, nhưng doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh ế ẩm, như ngồi trên đống lửa", ông chia sẻ.
Theo VnExpress