Nức tiếng bánh đa Tào Khê

Ẩm thực - Ngày đăng : 10:26, 18/03/2020

Bánh đa Tào Khê ở xã Chi Lăng Bắc không chỉ được nhiều người dân trong tỉnh biết đến mà còn nổi tiếng ở các tỉnh, thành phố lân cận.


Mỗi ngày làng nghề bánh đa Tào Khê cung cấp ra thị trường từ 7-8 tấn bánh

Theo ông Vũ Đình Nhì, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Bắc, không ai nhớ rõ nghề làm bánh đa ở địa phương có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể lại là làng nghề đã tồn tại từ rất lâu. Đến nay, các hộ làm nghề vẫn duy trì và phát triển. Do nhu cầu của thị trường tăng cao nên số hộ làm bánh đa ở Tào Khê cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Hiện thôn Tào Khê có hơn 30 hộ sản xuất.

Để bảo đảm số lượng bánh xuất ra thị trường trong những ngày mưa, hầu hết các hộ đều đã có hệ thống sấy bánh. Một số hộ còn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy tráng bánh nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian, chi phí thuê lao động.

Bánh đa Tào Khê được nhiều người yêu thích là bởi sợi bánh dai và rất đậm đà. Có được điều đó là do thợ làm bánh kỹ càng, cẩn thận trong từng khâu chế biến. Anh Vũ Văn Nhã, chủ một cơ sở sản xuất bánh đa lớn ở thôn Tào Khê cho biết: "Gia đình tôi làm bánh đa đến nay đã được ba thế hệ. Để bánh đa ngon thì công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Nguyên liệu phải là gạo Q5 được gieo cấy tại địa phương, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Bột phải được pha bằng nước sạch sao cho có độ sánh vừa phải. Khi tráng bánh phải chú ý đến nhiệt độ để bánh chín đều". 

Người thợ phải chú ý kiểm tra thường xuyên để bánh vừa đủ độ khô mà không bị vỡ khi phơi. Mặc dù hiện nay các hộ sản xuất bánh đều đã đầu tư máy sấy nhưng nếu trời không mưa, người dân vẫn phơi thủ công trên các tấm phên đan bằng tre. Bởi bánh phơi thủ công được khách hàng ưa chuộng hơn.

Chị Nguyễn Thị Nhung quê ở thôn Phương Khê (cùng xã Chi Lăng Bắc) cho biết: "Tôi và chồng định cư ở Hàn Quốc đã gần 10 năm. Mỗi lần về quê, tôi đều đến Tào Khê để mua bánh mang sang làm quà tặng. So với các loại bánh đa khác thì bánh đa Tào Khê dai, ngon và có mùi vị rất riêng. Năm nào không về được, tôi phải nhờ người mua gửi sang".

Trước đây, hầu hết các công đoạn làm bánh đều thực hiện thủ công, từ xay nguyên liệu cho đến tráng bánh, phơi bánh. Do đó, mỗi ngày một hộ chỉ làm được từ 20-30 kg. Sau đó lại phải trực tiếp đi giao hàng cho các đại lý, cửa hàng trong và ngoài huyện. Hiện nay, các hộ đã chủ động đầu tư máy xay bột, tráng bánh tự động để tăng năng suất. Bình quân mỗi ngày, làng nghề bánh đa Tào Khê cung cấp ra thị trường 7-8 tấn bánh đa.

Với giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, mỗi hộ làm nghề ở Tào Khê thu lãi từ 20-30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nghề làm bánh đa ở Tào Khê còn tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động ở địa phương. Những năm gần đây, bánh đa Tào Khê chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Mặc dù nổi tiếng nhưng đến nay bánh đa Tào Khê vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường. 

PV