Chú trọng tiêu thụ vải Thanh Hà ở trong nước

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:08, 18/03/2020

Để hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thanh Hà xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải nhiều hơn ở thị trường nội địa, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc...



Đến nay, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng lớn tới giao thương hàng hóa, trong đó có các mặt hàng nông sản. Tại tỉnh ta, những năm trước khoảng 40% sản lượng vải Thanh Hà được xuất khẩu sang các nước, chủ yếu là Trung Quốc. Làm gì để hạn chế những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong tiêu thụ quả vải Thanh Hà? Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà.

- Dự báo đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu vải quả Thanh Hà thế nào, thưa bà?

- Nhiều năm trước, vải Thanh Hà phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng, xuất khẩu sang các nước khác chiếm khoảng 10%, còn 60% tiêu thụ trong nước. Hiện nay, giao thương giữa nước ta và Trung Quốc bị hạn chế bởi dịch bệnh. Nếu dịch bệnh kéo dài, việc xuất khẩu vải sang thị trường này sẽ gặp khó khăn. Các thị trường nước ngoài khác cũng tương tự.

- Huyện Thanh Hà có biện pháp gì để tháo gỡ?

- Huyện Thanh Hà hiện có 3.503 ha vải, trong đó khoảng 1.600 ha vải thiều sớm, hơn 1.900 ha vải thiều chính vụ. Ngoài việc tuyên truyền cho nhân dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất để bảo đảm nông sản sạch, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ vải nhiều hơn ở thị trường nội địa, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như các nước khác.

Huyện đã sớm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho vải quả. Trước mùa thu hoạch vải, huyện sẽ tổ chức các đoàn đi tìm hiểu, xúc tiến thương mại tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh phía Nam... 

Huyện vẫn dự kiến tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà vào cuối vụ vải sớm, đầu vụ vải chính; tổ chức hội nghị khách hàng (nếu cần) để thu hút doanh nghiệp các nơi đến thu mua, đề phòng trường hợp dịch bệnh phức tạp phải đóng cửa khẩu. Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các thương lái về thu mua vải và khuyến khích người trồng vải sơ chế, bảo quản sản phẩm, kéo dài thời gian thu hoạch.

- Trân trọng cảm ơn bà!

MINH NGUYỆT (thực hiện)