Công Phượng có thực sự lu mờ trước Xuân Nam?
Trong nước - Ngày đăng : 14:35, 19/03/2020
Nguyễn Xuân Nam đang là tiền đạo nội được ca ngợi nhiều nhất những ngày qua. Ba trận gần nhất ở V.League và AFC Cup, Xuân Nam ghi 5 bàn. Anh hiện là chân sút tốt nhất của TP Hồ Chí Minh, dẫn đầu bảng xếp hạng Vua phá lưới V.League 2020. So với người đồng đội Nguyễn Công Phượng mới có 3 bàn sau 7 trận mùa này, Xuân Nam có xuất sắc hơn?
Công Phượng (trái) và Xuân Nam là hai trong số những chân sút của TP.HCM mùa này. Đồ họa: Minh Phúc |
Tại CLB TP Hồ Chí Minh, Công Phượng là một trong hai tiền đạo cắm, chơi cặp với ngoại binh Amido Balde. Xuân Nam là dự bị cho hai người này. 6 trận gần nhất, Công Phượng 6 lần đá chính, Xuân Nam 6 lần vào sân từ ghế dự bị. Giữa người đá chính và người dự bị, chắc chắn có sự khác biệt về trình độ.
Khác biệt ấy thậm chí khá rõ ràng dựa trên những gì chúng ta biết về hai người. Công Phượng chơi V.League và khoác áo tuyển Việt Nam từ năm 2015. Dù tại Hoàng Anh Gia Lai hay TP Hồ Chí Minh, anh đều thể hiện được năng lực. Xuân Nam mới có một mùa đá chính cho Phố Hiến ở hạng Nhất, chưa từng lên tuyển quốc gia. Ký ức đẹp nhất của anh chỉ là U19 Việt Nam năm 2011, cách đây 9 năm.
Nếu Xuân Nam đủ giỏi, anh đã đá chính. Những người ủng hộ anh chắc chắn không tham gia các buổi tập, không nhìn anh chơi bóng từng ngày như HLV Chung Hae-seong. Trước ông Chung, HLV Chu Đình Nghiêm cũng chỉ coi Xuân Nam là phương án hai tại CLB Hà Nội. Khi hai chiến lược gia cỡ đó cùng từ chối Xuân Nam đá chính, họ chắc không sai.
Bản đồ nhiệt của Công Phượng (trái, trên) và Xuân Nam (phải, dưới) cho thấy tầm hoạt động khác nhau của hai người. Công Phượng đá giữa nhiều hơn để tổ chức trong khi Xuân Nam chơi gần vòng cấm địa. Đồ họa: AFC |
Ở đội TP Hồ Chí Minh, Xuân Nam cũng không phải phương án dự bị cho Công Phượng. Chân sút trưởng thành từ lò trẻ Hà Nội đá tiền đạo cắm, mạnh về tốc độ đoạn ngắn, chớp cơ hội dứt điểm. 6 lần vào sân từ ghế dự bị, 3 lần anh vào thay tiền đạo cắm Blade, chỉ thay trực tiếp Công Phượng một lần.
Trong khi đó, chân sút thuộc biên chế Hoàng Anh Gia Lai chơi ở vị trí “hộ công”. Anh và Xuân Nam là một cặp tấn công chứ không phải hai phương án cho cùng một vị trí.
Lấy trận thắng 2-0 của TP Hồ Chí Minh trước Lao Toyota làm ví dụ, Xuân Nam chủ yếu hoạt động ở 1/3 sân cuối cùng, chơi sát khung thành đối thủ. Còn Công Phượng chủ yếu chơi bóng ở vùng giữa sân và biên trái, vị trí cho phép anh có nhiều khoảng trống để cầm bóng và tổ chức tấn công.
Khác biệt về vị trí dẫn tới khác biệt về đóng góp, Xuân Nam là tiền đạo, nhiệm vụ của tiền đạo là ghi bàn. Công Phượng là hộ công với vai trò chính là tổ chức. 5 bàn của Xuân Nam vì thế chưa chắc “nhiều hơn” 3 bàn, một kiến tạo của Công Phượng.
Phong độ các trụ cột hàng công TP.HCM, theo số liệu của Soccerway ở 4 đấu trường AFC Champions League, AFC Cup, siêu cúp quốc gia và V.League |
Nhiều người ca ngợi hiệu suất 3 bàn/trận của Xuân Nam và tin anh có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn nếu đá chính. Tuy nhiên, Xuân Nam ấy đã tịt ngòi khi vào sân từ ghế dự bị trong 3 trận trước đó. 5 bàn trong 3 trận vừa qua có thể chứng minh Xuân Nam đã tiến lên trình độ mới, nhưng cũng có thể chỉ là phong độ nhất thời của tiền đạo này.
Quan trọng hơn, phong độ đỉnh cao của Xuân Nam không đồng nghĩa với anh hay hơn Công Phượng, Phi Sơn hay Amido Balde. V.League 2020 mới trôi qua được 2 vòng đấu, Xuân Nam hay các cầu thủ còn rất nhiều điều phải thể hiện.
Khi nào giấy triệu tập đội tuyển quốc gia có tên Xuân Nam, đó mới là bằng chứng khẳng định đẳng cấp mới của “siêu dự bị” ở TP Hồ Chí Minh.
Theo Zing