Vùng vải Thanh Hà cho mật ngọt

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:12, 19/03/2020

Tháng 2, tháng 3 hằng năm, khi cây vải nở hoa là thời điểm người nuôi ong từ nhiều tỉnh, thành phố lại di chuyển những đàn ong về huyện Thanh Hà lấy mật.

Đến mùa hoa vải, nhiều người ở tỉnh xa cũng đưa đàn ong về Thanh Hà lấy mật

Từ đây, người nuôi ong có thêm thu nhập mà người trồng vải cũng thêm hy vọng hoa vải được thụ phấn hiệu quả hơn.

Vượt gần 1.500 km, ông Trần Văn Hưng ở tỉnh Gia Lai đưa gần 300 thùng ong về vườn vải ở xã Thanh Xá. Ông Hưng cho biết đây là thời điểm những đàn ong vừa trải qua 6 tháng dưỡng đàn giữa bạt ngàn cà phê trên mảnh đất Tây Nguyên, được đưa đi khắp các vùng miền trên cả nước để lấy mật.

Trong đợt lấy mật đầu tiên, tuy sản lượng không nhiều do ảnh hưởng của một số ngày mưa liên tiếp, nhưng ông Hưng khẳng định sẽ tăng lên nhiều ở những lần quay mật tiếp, bởi thời tiết đang thuận lợi cho cây vải ra hoa để ong lấy mật.

Cuộc đời của những người nuôi ong này cũng giống như những đàn ong di cư, nay đây mai đó, ở đâu có nguồn hoa lớn thì họ lại mang đàn ong đến. Trong một năm, họ phải di chuyển qua rất nhiều nơi, từ Gia Lai, Quảng Bình, tới Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh... Họ cần mẫn, miệt mài như những chú ong thợ. 

Nhiều năm trong nghề, ông Hưng đã có trong tay vốn kiến thức rất lớn về loài ong. Ông cho biết: “Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, độ rủi ro rất cao, hơn nữa chi phí đầu tư lớn nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi”.

Được lấy hoàn toàn từ nguồn hoa tự nhiên, giá phải chăng nên mật hoa vải được nhiều người ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Thỏa ở xã Thanh Xá cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng mua từ 7-10 lít mật ong vải về sử dụng. Tôi còn mua thêm để bán cho khách. Mật ong vải thơm ngon, có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe, chúng tôi không phải đi đâu xa để mua mật mà có thể tìm thấy ngay trên quê hương mình".

Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong, hoa vải có tỷ lệ mật cao hơn hẳn các loại hoa khác nên thời gian được lấy mật nhanh hơn rất nhiều. Thông thường thời gian quay mật phải mất 10 ngày nhưng đối với hoa vải chỉ còn từ 3-5 ngày.

Vì vậy, mật ong vải cho sản lượng cao, mang lại hiệu quả lớn hơn. Trong đợt lấy mật đầu tiên cách đây ít ngày, gần 300 thùng ong của ông Hưng đã cho sản lượng 450 lít mật. Với giá bán gần 70.000 đồng/lít, ông Hưng thu được hơn 30 triệu đồng.

Giống như ông Hưng, anh Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa đàn ong của mình vượt hàng trăm cây số từ Hàm Yên (Tuyên Quang) về Thanh Hà. Anh Dũng chia sẻ: “Mỗi lần về đây, chúng tôi phải bỏ tiền thuê xe. Việc vận chuyển phải tiến hành vào buổi tối vì lúc đó ong mới quay về tổ hết. Thông thường chúng tôi sẽ ở lại huyện Thanh Hà khoảng 20 ngày, nhưng nếu thời tiết thuận lợi và nguồn hoa vẫn còn dồi dào thì có thể ở lại lâu hơn".

Vụ vải năm nay, huyện Thanh Hà có khoảng 3.600 ha, gồm 1.700 ha vải sớm và 1.900 ha vải thiều chính vụ. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ hoa vải năm nay sẽ mang lại cho những người nuôi ong một nguồn thu không nhỏ. 

ĐỨC ANH