Chiến dịch Huế-Đà Nẵng - đòn tiến công chiến lược thứ 2

Tin tức - Ngày đăng : 08:28, 20/03/2020

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ ngày 21-29.3.1975) là một trong ba chiến dịch lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Chiến sĩ Quân đoàn 2 tiến công địch ở TP Huế

Thắng lợi của Chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện cơ bản, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nắm thời cơ, hạ quyết tâm, hành động chính xác

Vào giữa tháng 3.1975, thắng lợi ban đầu của Chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là trận then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Mở ra khả năng thắng lớn của cách mạng.

Nhận thấy thời cơ chiến lược thuận lợi và đến sớm hơn dự tính, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định bổ sung vào quyết tâm chiến lược là tập trung giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị nhấn mạnh, để thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản đề ra, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lúc này là mở tiếp đòn tiến công chiến lược thứ 2 - giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của bộ Chính trị đề ra, quân và dân ta đã đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường Trị-Thiên và các tỉnh ven biển thuộc khu V, gây áp lực, buộc địch phải dồn lực lượng về giữ các thành phố lớn trong đó có Huế và Đà Nẵng.

Ngày 21.3.1975, trên chiến trường Trị-Thiên và Nam-Ngãi, bộ đội ta đồng loạt nổ súng, thực hiện chia cắt Huế với Đà Nẵng, cắt đứt đường số 1, chặn đánh địch ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền. TP Huế hoàn toàn bị bao vây, cô lập. Ngày 22.3.1975, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 nguỵ bỏ chạy về Đà Nẵng bằng đường không. Mất chỉ huy và trước áp lực tiến công của ta, quân địch ở Huế bắt đầu rối loạn. Lực lượng địch tuy đông nhưng không còn ý chí chiến đấu, chỉ lo rút chạy.

Đêm 24.3, từ các hướng, những đơn vị binh chủng hợp thành của ta bắt đầu tiến vào thành phố. Được nhân dân và lực lượng biệt động thành hỗ trợ, quân ta đã đánh thẳng vào trung tâm TP Huế, tiêu diệt Sở chỉ huy Quân đoàn 1 nguỵ tại Mang Cá, chiếm cửa Ngọ Môn, Toà thị chính, Ty cảnh sát… và cắm lá cờ chiến thắng lên đỉnh Phú Văn Lâu. Ngày 26-3, thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi mất Huế, lại mất Tam Kỳ (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tử thủ" Đà Nẵng bằng mọi giá và cho rằng sau giải phóng Huế, nếu ta muốn tiến công Đà Nẵng thì phải mất ít nhất một tháng chuẩn bị. Nhưng chúng đã nhầm. Để tạo thế cho việc giải phóng thành phố Đà Nẵng, ngay từ khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, bộ đội địa phương các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đà đã tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, lẻ, cắt giao thông, phá kho tàng, tiêu hao lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch.

5 giờ 30 ngày 28.3.1975, với phương châm "nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng", trên tất cả các hướng, bộ đội ta mở trận công kích vào thành phố Đà Nẵng. Pháo 130mm, D74, ĐKB bắn chế áp mãnh liệt các mục tiêu ở Hòn Bằng, Trà Kiệu, sân bay Đà Nẵng, cảng Sơn Trà, sân bay Nước Mặn. Trong lúc đó các cánh quân nhanh chóng áp sát thành phố. Đến 15 giờ ngày 29.3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà; 17 giờ giải phóng hoàn toàn thành phố.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân và dân ta đập tan hệ thống phòng thủ của địch, giải phóng 5 tỉnh liên hoàn là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam và Quảng Ngãi, trong đó có hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên địch, làm tan rã 130.000 phòng vệ dân sự, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh (Quân đoàn 1), sư đoàn thủy quân lục chiến (tổng dự bị), 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân; thu 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu, xuồng...

Bước nhảy vọt trong cục diện chiến tranh

Đòn tiến công chiến lược thứ 2 giải phóng Huế-Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện ở việc ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của địch, giáng đòn nặng nề vào chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng như kế hoạch kéo dài chiến tranh của Mỹ.

Thắng lợi của chiến dịch này đã giúp mở ra vùng hậu phương chiến lược hoàn chỉnh nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho việc cơ động binh lực, trang bị vũ khí phục vụ cho các đòn tiến công mạnh hơn thời gian sau, mà biểu hiện cụ thể nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975

Thắng lợi này cùng với thắng lợi Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản so sánh tương quan lực lượng giữa quân ta và quân địch trên chiến trường, mở ra bước nhảy vọt trong cục diện chiến tranh, tạo ra thời cơ trực tiếp để trên cơ sở đó Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến dịch cũng để lại nhiều bài học quý. Đó là bài học về nắm thời cơ, hạ quyết tâm, hành động chính xác; bài học về chấp hành nghiêm sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, luôn bám sát mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ chủ yếu để hoan thành nhiệm vụ được giao; phát huy tính chủ động, linh hoạt sáng tạo của lực lượng trực tiếp, lực lượng tại chỗ và của các địa phương; phát huy tối đa sức mạnh của nhân tố chủ chốt, ở đây là những binh đoàn chủ lực trong đòn tiến công chiến lược.

Những bài học quý ấy tiếp tục được Đảng ta chắt lọc, vận dụng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay mà biểu hiện rõ nhất là nắm vững thời cơ, phát huy nội lực, tranh thủ điều kiện thuận lợi của khách quan, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra.

Theo TTXVN