Văn hoá đeo khẩu trang

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:40, 20/03/2020

Đeo khẩu trang cũng cần có văn hoá, đó không chỉ là thực hiện quy định của Chính phủ và còn là cách bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Bắt đầu từ ngày 16.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng. Cùng với nhân dân cả nước, đa số người dân Hải Dương đã nghiêm túc chấp hành quy định này. Từ các trường học, bệnh viện, siêu thị cho đến các bến xe, người dân đã coi chiếc khẩu trang là vật bất ly thân và xem đây là một trong những cách hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19. 

Quả thật, đối với những người không quen đeo khẩu trang thường xuyên thì việc sử dụng nó hằng ngày, hằng giờ ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người sẽ gây ra những khó chịu nhất định. Nhưng nếu mỗi người không nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng khi đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm thì việc phòng chống lây lan dịch Covid-19 rất khó thực hiện. Chẳng phải ở một số nước châu Âu, nơi người nào đeo khẩu trang thì bị coi mắc dịch và bị kỳ thị thì tốc độ lây lan dịch bệnh này nhanh chóng mặt đó sao? Theo dõi trên truyền hình những ngày gần đây thấy rõ trên đường phố, ở những nơi công cộng như ga tàu điện ngầm, trung tâm thương mại... ở một số nước châu Âu, nhất là ở Anh có rất ít người đeo khẩu trang. Sự chủ quan này của họ là một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh và khó kiểm soát. Thậm chí mới đây ở Anh một ban nhạc còn tổ chức hẳn một sự kiện tập trung đông người và hầu hết người đến tham dự không đeo khẩu trang. Thật đáng lo nếu trong số đó có một vài người đã nhiễm Covid-19 thì tốc độ lây lan dịch bệnh và hậu quả sẽ lớn đến mức nào?

Văn hoá mỗi nơi mỗi khác nhưng đúng là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp như hiện nay thì quy định đeo khẩu trang mà Chính phủ vừa ban hành rất cần thiết. Nhiều người dân Hải Dương đã ủng hộ chủ trương này, nhưng cũng có không ít người chưa coi trọng. Tôi thấy tại các chợ truyền thống, đơn cử như chợ Cuối ở thị trấn Gia Lộc quê tôi vẫn còn một số người bán và cả người mua chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Mặc dù việc không đeo khẩu trang chưa bị xử phạt nhưng nó thể hiện ý thức cộng đồng, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh của mỗi người. Có thể cách làm như ở siêu thị Intimex Hải Dương khi yêu cầu khách hàng phải sát khuẩn tay và đeo khẩu trang mới được vào mua sắm sẽ được coi là cứng nhắc và khiến không ít người khó chịu. Nhưng việc này nên làm, rất nên nhân rộng để phòng chống dịch Covid-19 tại nơi tập trung đông người.

Ngoài việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đeo khẩu trang đúng cách và ý thức xử lý sau khi sử dụng, nhất là đối với khẩu trang y tế dùng một lần rất quan trọng. Người dân không nên vứt khẩu trang y tế sử dụng một lần bừa bãi mà cần gói ghém cẩn thận, cho vào thùng rác theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần bị vứt bừa bãi ở nơi công cộng là hình ảnh xấu, cần loại bỏ. Để làm được việc này cần ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân. Ở những vùng nông thôn, chính quyền các địa phương phải tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để người dân chủ động đeo khẩu trang khi đến làm việc tại trụ sở xã, nơi họp chợ. Thậm chí ở Đại hội Đảng bộ các cấp đang được các địa phương tổ chức cũng cần phát và yêu cầu các đại biểu nghiêm túc thực hiện quy định đeo khẩu trang. 

Đeo khẩu trang cũng cần có văn hoá, đó không chỉ là thực hiện quy định của Chính phủ và còn là cách bảo vệ chính mình và cộng đồng. Vì vậy hãy coi chiếc khẩu trang như người bạn đồng hành, vật bất ly thân trong suốt quá trình chống dịch Covid-19. Hành động dù nhỏ này của mỗi cá nhân sẽ góp phần sớm đẩy lui dịch Covid-19.

BẢO AN