Giá dầu thế giới chờ... ông Trump
Thế giới - Ngày đăng : 12:14, 22/03/2020
Một nhân viên đi ngang qua cơ sở lọc dầu của Công ty năng lượng quốc gia Saudi Aramco. Ảnh chụp ngày 21.5.2018
Sau khi có biểu hiện hồi phục hôm giữa tuần, giá dầu quay đầu giảm mạnh 11% sau khi kết phiên giao dịch ngày 20-3, đánh dấu tuần thứ tư liên tục dầu rớt giá. Giá dầu thô Mỹ WTI giảm 0,4% xuống 22 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 0,5% xuống 26,5 USD/thùng.
Mỹ làm trung gian hòa giải?
Nói về dầu mỏ, nước Mỹ hiện không trong tư thế "tọa sơn quan hổ đấu", vì giá dầu lao dốc cũng là lúc các công ty Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Công nghệ đá phiến khiến Mỹ có lợi thế cạnh tranh lớn, nhưng lợi thế này có thể bị xóa bỏ trong trung hạn nếu Saudi Arabia tiếp tục bơm dầu tràn ngập thị trường vài tháng tới.
Phân tích trên Đài CNN cho thấy để tồn tại, ngành công nghiệp dầu mỏ ở Mỹ đang cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị sa thải bớt nhân viên.
Đây là chi tiết gây áp lực lên Tổng thống Trump tại cuộc bầu cử cuối năm, vì rất nhiều công nhân sẽ mất việc, trong khi phần lớn số này là người tại những bang của Đảng Cộng hòa, ví dụ Texas.
Để quản lý sức ép từ một số công ty dầu mỏ, ông Trump đã bắn tín hiệu làm trung gian cho cuộc chiến giá dầu Nga - Saudi Arabia. Hay nói theo cách dễ hiểu hơn, Mỹ phải hành động để cứu lấy mình.
Vừa qua, ông Trump khẳng định tình trạng này này gây tổn thương cho một ngành công nghiệp khổng lồ và rất quyền lực, vì vậy "vào một thời điểm thích hợp tôi sẽ bắt tay vào".
Thực tế, chính quyền ông Trump hôm 20.3 cho biết đã lên kế hoạch cử một đặc sứ về vấn đề năng lượng tới Saudi Arabia để nói chuyện và tìm cách ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo lời ông Ryan Sitton, một ủy viên tại Ủy ban đường sắt Texas - cơ quan phụ trách ngành công nghiệp dầu khí của Texas, hiện tất cả hi vọng ông Trump có thể đàm phán với Saudi Arabia và Nga, thuyết phục hai nước này tìm tiếng nói chung về cắt giảm sản lượng.
Trong khi Saudi Arabia là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, trường hợp của Nga lại khác. Song song với phương án ngoại giao cùng Saudi Arabia, Mỹ cũng nhắm vào việc trừng phạt Nga để ổn định giá dầu.
Đây là thông tin do Wall Street Journal đưa, trong khi CNN Business dẫn một nguồn thạo tin khác nói chính quyền Mỹ chưa có động thái nào trừng phạt Nga như đã nêu.
Nhưng dù sao đi nữa, phía Nga hôm 20.3 cũng ra tín hiệu không muốn Mỹ nhúng tay vào. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi biết ngành dầu mỏ khổng lồ ở Mỹ hiện khó khăn vì mức giá này. Không có cuộc chiến giá dầu nào giữa Nga và Saudi Arabia cả... Chúng tôi có quan hệ tốt với Saudi Arabia, và chúng tôi nghĩ rằng không ai nên can thiệp vào mối quan hệ này".
Không thấy điểm dừng
Việc giá dầu lao dốc được cho bắt nguồn từ nhu cầu thấp do tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn vì dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19). Tuy nhiên, căng thẳng chính trị và bất đồng trong chính sách dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia mới là nhân tố khiến tương lai giá dầu trở nên ảm đạm hơn.
Saudi Arabia, được cho là lãnh đạo không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã đề xuất gia hạn thời gian giảm sản lượng cũng như kêu gọi một thỏa thuận giảm sản lượng sâu hơn. Tuy nhiên, đối tác Nga đã không chấp nhận yêu cầu này. Quyết định của Matxcơva dẫn tới động thái gần như trả đũa của Riyadh: không muốn giảm thì sẽ tăng.
Saudi Arabia hôm 18.3 cho biết đã chỉ đạo Công ty năng lượng quốc gia Saudi Aramco giữ nguồn cung ở mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong vòng vài tháng tới. Xuất khẩu dầu đồng thời cũng sẽ chạm mốc 10 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5.
Trong khi giới phân tích khẳng định Saudi Arabia đủ ý chí và năng lực tài chính để ghìm giá dầu khi cần, Nga cũng không có ý nhượng bộ. Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho rằng Nga sẽ không phải kẻ van xin Saudi Arabia chấm dứt cái gọi là cuộc chiến giá dầu này, vì Tổng thống Vladimir Putin nhiều khả năng không đầu hàng trước "màn tống tiền của Saudi Arabia".
Giá dầu WTI giao trong tháng 4 giảm 11% xuống 22,4 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 5,3% xuống 26,98 USD/thùng. Tính ra giá dầu Mỹ đã ghi nhận mức giảm 29%, kỷ lục kể từ năm 1991, tương tự việc giá dầu Brent rơi 20% trong tuần qua. |
Lợi thế của Saudi Arabia Ông Nawaf Obaid, cựu cố vấn Chính phủ Saudi Arabia từ năm 2002 tới 2015, vừa qua phân tích rằng Saudi Arabia đang có lợi thế trong cuộc chiến giành thị trường và quyền kiểm soát giá dầu. Chuyên gia này dẫn lời CEO của Aramco, ông Amin Nasser, khẳng định phía Saudi Arabia tự tin có thể duy trì giá dầu thấp trong thời gian dài. Sự tự tin này bắt nguồn từ việc dầu của Saudi Arabia là loại có chi phí sản xuất rẻ nhất thế giới (gồm thuế gộp, chi tiêu vốn, chi phí sản xuất và vận chuyển), tốn 8,98 USD/thùng. Để so sánh, dầu đá phiến của Mỹ có chi phí 23,35 USD/thùng, còn chi phí sản xuất trung bình của dầu Nga là 19,21 USD/thùng, theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ. |
Theo Tuổi trẻ