VN-Index mất mốc 700 điểm khi mở cửa phiên sáng 23.3
Thị trường - Ngày đăng : 10:26, 23/03/2020
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC
Tính đến 9 giờ 26, VN-Index đã giảm tới hơn 31 điểm (tương ứng trên 4,4%). Sắc đỏ tràn ngập sàn HOSE với trên 235 mã giảm giá; trong đó, có nhiều mã giảm sàn. Trong khi đó, chỉ có 32 mã tăng giá và 35 mã đứng giá.
HNX – Index cũng giảm tới 2,97 điểm (tương ứng 2,92%). Toàn sàn có 71 mã giảm giá, 15 mã tăng giá và 27 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN - Index có tới 29 mã giảm giá, trong khi chỉ còn 1 mã đứng ở giá tham chiếu.
Các mã giảm mạnh như: VRE và ROS đều giảm tới 6,9% xuống giá sàn. Hàng loạt mã như: VIC, VHM, VNM, SAB, PNJ, MWG, PNJ, HPG… đều có mức giảm rất sâu; trong đó, nhiều mã giảm xuống sát mức giá sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không còn mã nào giữ được giá xanh. Các mã cổ phiếu ngân hàng giảm rất mạnh, nhiều mã có mức giảm tới hơn 6% như: TCB, VCB, CTG, HDB, MBB, BID… Mức giảm nhẹ nhất thuộc về SHB cũng đã lên tới 2,5%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sụt giảm mạnh với hầu hết các mã trụ cột như: GAS, PLX, PVS, PVC, PVD, POW...
Tính đến 9 giờ 39, VN-Index đã giảm tới gần 36 điểm xuống 672,4 điểm. Trong khi HNX – Index giảm 2,8 điểm xuống gần 99 điểm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các chỉ số chứng khoán thế giới cũng đều giảm sâu, nhiều thị trường có mức giảm lịch sử.
Theo đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tiếp tục trải qua một tuần giảm điểm mạnh, do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên 20/3 giảm 913,21 điểm, hay 4,6%, xuống 19.173,98 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 10/10/2016. Chỉ số S&P 500 giảm 104,47 điểm, hay 4,3%, xuống 2.304,92 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 8/2/2017. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 271 điểm, hay 3,8%, xuống 6.879,52 điểm.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 17,3%, chỉ số S&P 500 mất 14,98%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite mất 12,64%.
Các nhà đầu tư vẫn lo ngại dù Chính phủ có những động thái nhằm hạn chế tác động kinh tế do dịch bệnh, khi mức độ nghiêm trọng đến đâu và việc dịch sẽ kéo dài trong bao lâu vẫn là những điều chưa rõ ràng.
Các nghị sỹ Mỹ đang nỗ lực tung ra gói cứu trợ thứ hai nhằm giảm nhẹ những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh, nhưng dường như không đủ nhanh với phố Wall, khi các chỉ số giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo TTXVN