Cả nước tiến công đại dịch
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:25, 25/03/2020
Lịch sử đã ghi nhận trên thế giới có hai cuộc đại chiến. Đại chiến lần thứ I (1914-1918) có hơn 10 quốc gia bị lôi vào vòng khói lửa. Kết thúc có 10 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị thương. Đại chiến lần thứ II (1939-1945) có hơn 70 nước tham gia, khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người tàn phế. Cả hai cuộc đại chiến thật quá khủng khiếp. Nhân loại không ai muốn lặp lại.
Vậy mà sang năm 2020 này, cả thế giới đang phải lao vào một cuộc đại chiến không tiếng súng. Đến ngày 23.3, trên thế giới đã có 192 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch Covid-19 tấn công, khiến gần 342.000 người nhiễm, hơn 14.700 người chết. Diện quốc gia và vùng lãnh thổ bị Covid-19 tấn công đã rộng hơn hai cuộc đại chiến. Số người chết không thể so sánh nhưng nếu không ngăn chặn được thì hậu quả sẽ rất khốc liệt trong xã hội hiện đại.
Cách đây gần 2 tháng, Việt Nam bị dịch Covid-19 tấn công. Đến nay, cả nước có 122 người bị nhiễm bệnh. Mặc dù số lượng ấy không nhiều so với Trung Quốc, Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức… nhưng do tính chất quá nguy hiểm của virus nên cả nước đã sớm vào cuộc, “tuyên chiến” với kẻ thù Covid-19.
Chính phủ đã nêu khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” ngay từ đầu, kêu gọi toàn dân đồng lòng chống dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch được thành lập. Tình hình dịch bệnh được cơ quan báo chí thông tin liên tục. Các kịch bản chống dịch đã được xây dựng và thực thi với phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch”. Lực lượng thực thi là toàn dân.
Từ Đảng, chính quyền, quân đội, công an, ngành y tế tới các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, khu dân cư, thôn xóm... nhanh chóng vào cuộc. Đặc biệt là các bác sĩ, nhà khoa học chuyên ngành không chỉ dũng cảm chữa bệnh mà còn nghiên cứu phát hiện những yếu điểm của virus Corona và cách chữa bệnh sao cho hiệu quả.
Một loạt biện pháp rất hữu hiệu đã được thực thi: Sản xuất khẩu trang y tế phục vụ toàn dân; hướng dẫn mọi người phòng bệnh từ việc nhỏ như đeo khẩu trang, rửa tay, giao tiếp… Các trường học tạm thời đóng cửa. Các lễ hội, hội họp đông người phải dừng.
Nhiều chuyến bay không được cất cánh. Các khu du lịch tạm thời nghỉ hoạt động. Phun thuốc khử trùng từ phòng học đến ghế ngồi hội trường, trên ô tô, tàu hỏa, máy bay… Giám sát, cách ly hàng nghìn người Việt Nam từ nước ngoài về. Điều tra, nắm rõ tình hình ở từng người. Tổ chức khai báo sức khỏe toàn dân...
Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ phục vụ công tác chống dịch. Bộ Công thương chỉ đạo ổn định giá cả thị trường tránh việc đầu cơ tích trữ hàng hóa lợi dụng dịch bệnh trục lợi; sản xuất thêm các mặt hàng phục vụ chống dịch. Cả những việc tưởng là nhỏ như ăn uống, nơi ở, thuốc men cho hàng nghìn người cách ly trong 14 ngày, chi phí ấy cũng Nhà nước lo.
Với sự chỉ đạo vừa chiến lược, vừa chiến thuật, cùng các biện pháp từ lớn đến nhỏ, chi tiết đã tạo nên kết quả rất to lớn và rõ rệt. Dịch Covid-19 vào Việt Nam khá chậm so với thế giới. Mức độ và tốc độ lây lan được hạn chế hiệu quả. Đến nay, khi thế giới có hàng trăm nghìn người nhiễm thì Việt Nam mới có 122 ca mắc bệnh, 17 người được chữa khỏi, không có người chết. Kết quả ấy không chỉ chúng ta biết mà thế giới cũng thừa nhận.
Việt Nam đã trải qua nhiều dịch lớn. Đó là dịch tả năm 1945 vào mùa xuân. Nhà nước thực dân phong kiến lúc ấy không hề có biện pháp phòng chống và thuốc thang chữa bệnh cho dân. Ta vẫn nói hơn 2 triệu dân chết đói năm 1945 là nói khái quát cho gọn. Thực tế bệnh tả cũng góp vào tổn thất đó. Năm 2003, chúng ta lại bị dịch SARS cướp đi sinh mạng của nhiều người. Cả nước lúc ấy cũng sôi sục chống dịch.
Tuy vậy, so với chiến dịch không tiếng súng năm nay chống Covid-19 mới thấy Đảng, Chính phủ và toàn dân cùng vào trận với một quyết tâm cao, khoa học, kỹ thuật hơn hẳn. Chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng.
VĂN DUY (Kinh Môn)