Phụ nữ Dân Chủ trồng hoa, phân loại rác tại nhà

Xã hội - Ngày đăng : 10:24, 25/03/2020

​Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và tô điểm cho làng quê nông thôn mới.


Gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở thôn An Lại phân loại rác ngay tại gia đình

Về thôn Đồng Bình những ngày này, ai nấy đều ấn tượng bởi đường làng sạch sẽ, thoáng rộng, hai bên là hàng hoa, cây xanh thẳng tắp. Đó là những đường hoa tự quản được trồng, chăm sóc bởi bàn tay của các chị em trong thôn.

Các tuyến đường này trước đây cỏ dại mọc um tùm, có nhiều điểm rác phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Chị Phạm Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Bình cho biết: "Năm 2018, thực hiện mô hình đường hoa tự quản, Chi hội Phụ nữ thôn đã vận động chị em góp ngày công, tiền để trồng đường hoa mười giờ, chiều tím... Những loài hoa này dễ trồng, phù hợp với cảnh quan. Hằng tuần, các tổ phụ nữ đều phân công hội viên tích cực chăm sóc".

Sau 2 năm thực hiện, đến nay mô hình “đường hoa tự quản” của Hội Phụ nữ xã đã được nhân rộng ở tất cả các Chi hội Phụ nữ với tổng chiều dài hơn 4 km.

Chị Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: "Từ các tuyến đường hoa tự quản, nhiều người dân trong xã đã chủ động trồng hoa ở gần nhà. Tình trạng xả rác bừa bãi ở hai bên đường không còn như trước".

Mô hình "Chi hội Phụ nữ phân loại rác thải tại nhà" cũng được Hội Phụ nữ xã triển khai nhằm góp phần giảm lượng rác thải. Toàn xã hiện có 4 thôn với 5.600 nhân khẩu, lượng rác thải sinh hoạt xả ra môi trường khoảng 2 tấn/ngày.

Trong khi đó, bãi rác tại các thôn đều đầy ứ, ô nhiễm. Riêng thôn An Lại vẫn chưa có bãi rác tập trung nên việc thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn.         

Năm 2017, Hội Phụ nữ xã đã chọn 2thôn An Lại và Đồng Bình triển khai thí điểm mô hình "Chi hội Phụ nữ phân loại rác thải tại nhà". Cán bộ chi hội tới từng gia đình hướng dẫn hội viên cách phân loại rác thải.

Bà Phan Thị Hường ở thôn An Lại cho biết: "Ngày trước tôi thường để chung tất cả loại rác với nhau nên chỉ trong 1 ngày thùng rác đã đầy. Khi được hướng dẫn phân loại, tôi thấy lượng rác trong gia đình giảm đáng kể". Một số loại rác hữu cơ như rau, cành, lá cây, gia đình bà Hường tận dụng cho gia cầm ăn hoặc tự tiêu hủy trong vườn nhà. Các chai lọ có thể gom lại mang bán. Khi thấy bà Hường phân loại rác, các con cháu cũng làm theo.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn An Lại, ban đầu hội viên ngại tham gia vì vẫn duy trì thói quen cũ. Nhờ kiên trì vận động, hướng dẫn, việc phân loại rác tại gia đình dần đi vào nền nếp. Hội viên tham gia mô hình đều ký cam kết thực hiện.

Hội Phụ nữ xã tích cực tới các hộ kiểm tra việc phân loại rác. Nhờ vậy, ý thức của hội viên được nâng lên, thói quen phân loại rác ngay từ gia đình và giữ gìn môi trường chung dần được hình thành. Thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, năm 2018 Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai ở 2 thôn còn lại là La Xá và Cao La. Đến nay, toàn xã có 70-80% số hội viên tham gia mô hình phân loại rác tại nhà.   

NGUYỄN THẢO