Chống giặc hôm qua và chống dịch hôm nay
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:03, 28/03/2020
Tôi không được gặp người đã nêu ra định đề “Chống dịch như chống giặc”, nhưng càng suy ngẫm càng thấy ý nghĩa vô cùng.
Những ai lớn tuổi, từng sống trong những tháng năm chiến tranh chống Mỹ sẽ càng thấm thía. Ngày ấy, cả dân tộc đồng lòng, quyết tâm đánh giặc chỉ với một khát vọng thống nhất Bắc Nam, đất nước thanh bình.
Từ khát vọng ấy đã biến thành hành động đơn giản trong đời sống hằng ngày. Khắp các làng quê, nhà máy, công trường, hầm mỏ... đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu trên tường, trên băng rôn "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Người ta hô hào làm tất cả những gì để phục vụ cho cuộc kháng chiến. Những chàng trai ra trận, những phụ nữ ở hậu phương bám trụ ruộng đồng vừa sản xuất vừa tham gia đắp ụ pháo bắn máy bay giặc. Bà mẹ già trong Hội Mẹ chiến sĩ sớm chiều đun siêu nước vối mời bộ đội hành quân qua đường uống cho đỡ khát.
Để hạn chế thương vong, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, để hậu phương tiếp sức cho chiến trường… nhân dân đào hầm chữ A khắp nơi để tránh bom đạn giặc bắn phá. Dọc quốc lộ, trên các sân kho, các trường học, bãi chiếu phim đều có hố cá nhân. Giặc bắn phá thì tìm cách xuống hầm, hố tránh đạn bom. Máy bay đi qua là mọi hoạt động trở lại bình thường...
Chiến tranh đã qua đi, bây giờ cả nước đang có dịch Covid-19 mà nguy cơ diễn biến ngày càng phức tạp. Khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” đã xuất hiện rất kịp thời như một lời hiệu triệu và đã được toàn dân hưởng ứng.
Từ làng thôn đến đô thị, từ trường học đến nhà máy, chợ búa, cơ quan, công sở… người người đã thấm nhuần ý nghĩa đó. Đấy là tư tưởng chống dịch Covid-19 hôm nay cũng như chống giặc năm xưa. Người ta truyền tin nhau, nghe các phương tiện truyền thông, cập nhật tình hình về phòng chống dịch với một tinh thần tích cực.
Người dân dần dần hiểu rằng phải làm tất cả những gì có thể khoanh vùng để hạn chế lây lan dịch bệnh. Các lễ hội, các giải thể thao... tạm dừng. Các rạp chiếu bóng, nhà hát, câu lạc bộ tối đèn, tạm dừng hoạt động. Những điểm du lịch vắng người, cảng hàng không tạm ngưng chuyến bay… Tất cả vì mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, bảo vệ tính mạng con người.
“Chống dịch như chống giặc”, khẩu hiệu đang vang lên và mỗi người dân đều có nghĩa vụ thực hiện, trước hết là tự bảo vệ mình và cũng là trách nhiệm công dân với đất nước. Đôi trai gái nhà kia phải khép lại niềm vui lớn trong đời, biết thu hẹp quy mô của lễ thành hôn bằng những tấm thiệp báo hỷ với bạn bè. Tuần trăng mật chẳng đi xa mà ở lại quê nhà...
Thời chiến tranh, người dân tự phá dỡ nhà, mang cánh cửa, vác cột kèo để lát đường cho đoàn xe vượt qua sông, ra trận thì bây giờ có những ông chủ khách sạn tự hiến căn phòng, tiện nghi cho Chính phủ làm nơi cách ly bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.
Có nhiều người tặng gạo, tặng tiền cho chính phủ để thực hiện công việc nhân đạo là cứu người trong cơn dịch bệnh. Chỉ một thời gian ngắn đã có hàng mấy trăm tỷ đồng của các cá nhân, đơn vị hiến tặng. Chỉ mới sau vài tiếng đồng hồ, chỉ một nút nhắn tin với mệnh giá 20.000 đồng, kết quả đã có nhiều tỷ đồng. Việc nhỏ mà ý nghĩa lớn lao.
"Chống dịch như chống giặc", bất cứ việc gì có thể thắng được dịch Covid-19 là người Việt Nam đều phải làm. Những việc làm bé nhỏ nhất của mình cũng là tham gia vào mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Hãy tự nguyện trình báo khi từ vùng có dịch trở về. Hãy tự nguyện cách ly và tuân thủ quy định chuyên môn… Đơn giản nhất là tự giác đeo khẩu trang, rửa tay, xịt cồn trước khi giao tiếp… Đấy cũng là tự bảo vệ mình và hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Không kỳ thị, hãy cảm thông với người nhiễm bệnh. Nhưng chúng ta cũng kiên quyết với những ai đó ích kỷ, lập dị, cố tình quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với đất nước.
Tôi nghĩ rằng thời chiến tranh gian khổ hơn nhiều nhưng dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường, bền bỉ chống giặc và chiến thắng. Bây giờ chống dịch Covid-19 dù có gian nan vất vả bao nhiêu, nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng.
KHÚC THIÊN GIANG