Dạy học trực tuyến: Giải pháp hay thời dịch bệnh
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 04:45, 29/03/2020
Em Nguyễn Gia Minh, học sinh lớp 6C, Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ) tham gia đầy đủ các buổi dạy học trực tuyến do trường tổ chức
Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hình thức dạy học này phát huy tác dụng hơn trong bối cảnh học sinh phải nghỉ dài.
Tập trung hướng dẫn ôn tập
Thời gian qua, nhiều trường THCS của tỉnh dạy học trực tuyến cho học sinh. Đây là hình thức học còn khá mới mẻ đối với học sinh của tỉnh. Tham gia các lớp học, nhiều em tỏ ra hào hứng.
Theo dõi tiết học môn toán của cô và trò lớp 6B Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy đây như một giờ học bình thường trên lớp bởi có sự tương tác nhịp nhàng giữa giáo viên và học sinh. Sau khi giảng lý thuyết, cô giáo Đoàn Thị Hồng Khánh giao bài và hướng dẫn học sinh làm. Hết thời gian làm, cô Khánh lần lượt hỏi một số em về kết quả, rồi chữa bài và chốt phương án đúng.
Trường THCS Phan Bội Châu triển khai dạy trực tuyến ở các khối lớp đến nay được khoảng 3 tuần. Từ lớp 6 đến lớp 8, trường dạy trực tuyến các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, lớp 9 học thêm môn vật lý, hóa học. Hằng ngày, học sinh học từ 15 - 16 giờ và từ 19 giờ 30 - 21 giờ. Mỗi lớp được chia thành 3 nhóm, từ 13 - 15 em/nhóm.
Mỗi nhóm học từ 1 - 2 buổi/môn/tuần. Các buổi học thu hút từ 80 - 100% số học sinh tham gia. Em Nguyễn Gia Minh, học lớp 6C hào hứng nói: "Qua các bài giảng trực tuyến, chúng em tiếp nhận kiến thức dễ hơn cách giao bài qua email hay Zalo và có thể hỏi giáo viên ngay khi có vướng mắc".
Việc dạy học trực tuyến hiện nay chủ yếu triển khai ở bậc THCS và tập trung hướng dẫn ôn tập, ít nơi dạy kiến thức mới theo chương trình. Hiện có các huyện Bình Giang, Gia Lộc triển khai đồng bộ ở tất cả các trường, còn những nơi khác thực hiện nhỏ lẻ hoặc đang lên kế hoạch. Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Gia Lộc Đỗ Thế Ngọc cho biết từ đầu tháng 2, các trường đã hướng dẫn học sinh tự học và khai thác tài liệu trên các trang web học tập khác.
Đến nay, tất cả các trường THCS của huyện dạy học trực tuyến. Các lớp 6, 7 và 8 học 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, học sinh lớp 9 học thêm các môn vật lý, hóa học, sinh vật. Học sinh sẽ học mỗi môn 1 buổi/tuần và chủ yếu vào buổi tối. Các trường cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Cần đồng bộ, thống nhất
Thời gian qua, để từng bước nâng cao hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, Sở GDĐT, Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố cùng các trường tích cực tập huấn, hướng dẫn phương pháp, cách khai thác tài liệu trên internet, sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài, dạy môn toán ở Trường THCS thị trấn Gia Lộc cho biết: "Để dạy được một tiết học trực tuyến, giáo viên chuẩn bị vất vả hơn rất nhiều so với bình thường.
Đặc biệt, với môn toán, nhiều lúc phải trình bày công thức, vẽ hình trực tiếp khi dạy nên mất nhiều thời gian. Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong quản lý, đôn đốc, thông tin cho phụ huynh, học sinh, nhất là động viên phụ huynh tạo điều kiện về trang thiết bị như máy vi tính, điện thoại thông minh cho các con học".
Hiện nay, giáo viên chủ yếu sử dụng phần mềm Zoom Meeting để dạy học trực tuyến. Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, để buổi học hiệu quả, giáo viên chuẩn bị càng chu đáo càng tốt, kiến thức dạy cần trọng tâm, ngắn gọn, vừa sức.
Để giúp học sinh duy trì việc học, Sở GDĐT đã yêu cầu Phòng GDĐT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố, các trường THPT tổ chức hướng dẫn tự học, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục cần hệ thống hóa kiến thức trọng tâm đã học của chương trình phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn, từng khối lớp; hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, thu thập thông tin, tư liệu, tự khám phá kiến thức của các bài mới trong chương trình.
Nội dung ôn tập, hướng dẫn tự học cho học sinh qua nhiều hình thức như đăng tải trên website của trường hoặc email, Zalo, Facebook, dạy học trực tuyến, ưu tiên các môn toán, ngữ văn, một số môn học của lớp 9.
Các đơn vị thông báo cho học sinh và phụ huynh tích cực tham khảo, khai thác nội dung học tập trên internet, dạy trên truyền hình của một số đài truyền hình Trung ương, địa phương. Thời gian tới, sở sẽ lựa chọn các bài học tiêu biểu và phối hợp triển khai dạy học trên truyền hình.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, khi học sinh phải nghỉ học trong thời gian dài phòng chống dịch Covid-19 thì dạy học trực tuyến là phù hợp, hiệu quả nhất.
Còn dạy trên truyền hình khó kiểm soát được số lượng học sinh tham gia, thiếu tính tương tác, một bài giảng khó đáp ứng cho các đối tượng học sinh khác nhau.
Để việc dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả và bảo đảm đúng thời gian kết thúc năm học, Bộ GDĐT cũng như tỉnh nên sớm có chỉ đạo cụ thể như dạy kiến thức thế nào, nội dung gì, công tác kiểm tra, đánh giá, cho điểm, công nhận kết quả để sau này học sinh không phải học lại, các em không đủ điều kiện theo học trực tuyến thì sẽ giải quyết thế nào?
Bộ GDĐT cần rà soát, xây dựng lại chương trình của toàn bộ các cấp học, làm rõ nội dung kiến thức, hoạt động dạy học nào cần dạy và không cần dạy để các trường nắm được. Từ đó, các trường sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết khác.
DANH TRUNG