Câu hỏi đầu tiên hôm nay là gì?

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:47, 29/03/2020

Câu hỏi đầu tiên thức dậy hôm nay của bạn là gì? Có phải là: Có bao nhiêu người trên thế giới nhiễm đêm qua, bao nhiêu trong số đó sẽ qua đời hôm nay? Hay sẽ là một câu hỏi khác?


Sự xuất hiện của virus Corona chủng mới khiến cuộc sống người dân khắp nơi đảo lộn. Một quán ăn góc đường Trương Định - Lý Tự Trọng, quận 1, TP Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động

Gọi điện cho một người bạn sống ở vùng cao, giọng anh bạn có vẻ châm chọc tôi: "Ở đây không có "em cô vi" nào". Anh là một người đàn ông rời bỏ thành thị, mua một khoảnh đồi rộng trồng rau và nuôi những con heo bé choắt màu đen.

Có lẽ cái thú đề cao việc rời bỏ chốn đông người tôi bị ảnh hưởng sâu sắc không phải vì anh mà bởi McCandless - một nhân vật thú vị tôi đã được đọc, một ca khó nhằn sau này chết một mình trong vùng lạnh giá bên chiếc xe buýt cũ ở Alaska, Mỹ.

Có lẽ không ít người ta cho rằng rời khỏi xã hội con người, bên trong nó đã ẩn giấu một ảo vọng. Nhưng tôi vẫn tin vì tôi thích cách sống mạnh mẽ của anh ấy.

Khi tôi nhắn hỏi một người bạn đang ở nước ngoài bên đó thế nào, anh cho biết mình đang mắc kẹt, Corona như một bức tường khiến anh không ngừng suy nghĩ, có nên vượt qua "bức tường" để về với gia đình. Lộ trình của anh sẽ qua một vài biên giới, nơi mọi cánh cửa dường như đều bị đóng lại. Thế giới đã đóng thêm nhiều cánh cửa khi Corona xuất hiện và chẳng rõ lúc nào thì có thể mở ra như cũ.

Không ai dám thò một cánh tay với ai. Thay vì bắt tay, người ta nhìn nhau từ xa. Thay vì ôm hôn, người ta phải sáng tạo ra cách biểu đạt khác. Trên mạng xuất hiện nhiều hình ảnh trang phục dị kỳ chỉ để làm mỗi một việc, làm sao "ít tiếp xúc với con người".

Bạn đã xem phim The terminal? Tom Hanks đóng vai người đàn ông kẹt giữa các chiến tuyến, anh ta không thuộc về đâu cả, một vùng đệm vô thừa nhận giữa các biên giới mắc anh ta lại. Anh ta vẫn sống nhưng lạ thay, không có mặt trên bản đồ. Anh luôn tìm cách chứng minh mình thuộc về một nơi nhưng dường như không ai muốn nhìn thấy manh mối đó.

Tôi bỗng chợt nhớ nhân vật đó khi Corona tràn về trên trang tin mỗi ngày. Giữa một ngân hà xa xôi nếu nhìn về Trái Đất, thay vì một đốm xanh, giờ đây chúng ta sẽ thấy đầy những chấm li ti đỏ của cCorona. Trái đất của chúng ta bây giờ đó.

Thế giới ngày nay có phải đã được vận hành theo một kiểu khác với trước đó, thời chúng ta "bình yên": hòa vào xã hội, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành và thế là sống thôi. 2020 không còn như cũ. Chúng ta phải học cách hít thở khác qua màng lọc.

Hôm nay quán cà phê quen thuộc của tôi đã đóng cửa, không ai đến đó để thư giãn. Mọi người bỗng chốc căng thẳng khi ngồi gần nhau. Chỗ tôi ở như thể sắp giải tán. Người người nín lặng chờ một ai ở lầu A lầu B dính Corona, nếu có, là xem như vỡ toang.

2 năm trước khi đóng Facebook, tôi cũng có một cảm giác tương tự vậy, một kiểu sợ hãi. Tôi không hiểu tại sao mình lại làm như thế. Nhưng có một điều nhận thấy rằng, cuộc sống trên đó ngày một buồn hơn. Tôi bỗng hết yêu mến những người mà tôi đã từng yêu ngoài đời, nếu kết bạn với họ đủ lâu trên thế giới ảo. Chưa kể vợ chồng con cái như không còn gì để nói ngoài điện thoại. Mọi người liên tục kết nối với thế giới khác ngoại trừ thế giới đang sống, đi chơi cũng chỉ để đưa lên mạng, ăn để đưa lên mạng, và nói những điều hay ho nhất cũng chỉ để đưa lên mạng.

Mỗi buổi tối, thay vào đó, tôi cùng con gái xem phim. Tôi tự trào rằng chúng tôi đã cùng với nhau xem được rất nhiều bộ phim tuyệt vời trong thời khắc buồn bã nhất của nhân loại. Liệu chúng tôi có đang hạnh phúc hơn không giữa mùa Corona này.

Từ ngày xuất hiện Corona, tôi bắt đầu học rửa tay cẩn thận, lạ kỳ là trước đây chưa ai dạy tôi bài học nào như thế. Nhưng hôm nay mọi thứ đã khác, rửa tay đúng cách, một môn học để sống thậm chí còn đáng để học hơn nhiều thứ quý giá khác mà tôi từng học trên đời.

Từ ngày Corona xuất hiện, tôi cũng thường xuyên gọi điện cho mẹ, đó có phải là một hội chứng sợ mất không. Qua video call tôi thấy rất rõ đôi môi run run của bà. Với độ tuổi của bà, không có một thứ Corona nào đáng sợ hơn ngoài việc con trai lười biếng không chịu gọi điện về. Vài năm gần đây, bệnh Parkinson bắt đầu xuất hiện trên cánh tay mẹ tôi. Sau đó lan lên môi khi bà nói chuyện. Tôi vẫn hay nghĩ nếu một ngày nào đó già đi, tôi cũng sẽ được truyền sang sự run rẩy đó. Chúng tôi đã sống trong sự run rẩy kỳ bí mà không cần phải vướng phải một nỗi run rẩy nào khác từ bên ngoài.

Cho đến khi virus Corona chủng mới đến.

Buổi cơm trưa hôm nay, con gái tôi bỗng hắt xì thành tiếng. Vợ tôi vội vã hỏi: "Con có thấy đau họng không?". Con bé có vẻ bực mình, vì dạo gần đây vợ tôi luôn hỏi những câu hỏi tương tự, trả lời: Làm người cũng phải có lúc hắt xì chứ mẹ! Cả nhà nhìn nhau bật cười, ừ nhỉ, làm người ai mà chả có lúc phải hắt xì. Ơ, sao cái điều đơn giản thế mà chúng ta cũng không nghĩ ra nhỉ. Đó có phải là một thứ bùa mê thuốc lú trong mùa corona đó sao.

Câu hỏi đầu tiên thức dậy hôm nay của bạn là gì? Có phải là: Có bao nhiêu người trên thế giới nhiễm đêm qua, bao nhiêu trong số đó sẽ qua đời hôm nay? Hay sẽ là một câu hỏi khác? Thế giới hôm nay sẽ tìm ra thuốc chữa lành cho căn bệnh của ngày hôm qua chứ?

Tôi không muốn mỗi sáng thức dậy lại như thể sắp từ biệt một ai đó thay vì nói câu hẹn gặp lại, và chúc may mắn.

NGUYỄN NGỌC THUẦN