Ở nhà mùa dịch: Vợ bất ngờ với bí mật chồng chưa bao giờ thể hiện

Đời sống - Ngày đăng : 09:15, 30/03/2020

Khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là cơ hội để vợ chồng chị Võ Thu Thủy (sống tại khu tập thể ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) xích lại gần nhau hơn.

Đây cũng là khoảng thời gian người phụ nữ này thừa nhận có thể làm những công việc mà suốt 10 năm kết hôn chị chưa có dịp làm cho gia đình.

Làm truyền thông cho một tập đoàn lớn, công việc của chị thủy trước đây rất bận. Ra khỏi nhà lúc 8h30, chị chỉ trở về khi đồng hồ đã qua 8h tối. Không chỉ vợ, chồng chị cũng về muộn và thường xuyên xa nhà với những chuyến công tác liên miên.

Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, vợ chồng chị gửi 2 con về quê chồng ở Hà Tĩnh để tránh dịch.

Sau đó, khi 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ra viện, vợ chồng chị đánh xe về quê để đón con ra Hà Nội cùng bố mẹ.

‘Tuy nhiên trên đường về quê, nghe tin Hà Nội xuất hiện bệnh nhân dương tính mới, vợ chồng tôi lại quyết định tiếp tục để con ở lại với ông bà’, chị nói.

Mặc dù rất nhớ con, nhưng người mẹ sinh năm 1988 cho biết chị rất yên tâm khi gửi con ở quê. ‘Ở quê thoáng đãng, các con lại có thêm bạn bè, được gần gũi với ông bà - những điều trước đây con phải lo đi học, không được trải nghiệm’, chị chia sẻ.

Ở nhà mùa dịch: Vợ bất ngờ với bí mật chồng chưa bao giờ thể hiện
Mâm cơm do chồng chị Thủy vào bếp trổ tài

Trường vẫn tổ chức học trực tuyến vì vậy vợ chồng chị gửi một chiếc máy tính về quê để đến giờ, ông bà sẽ hướng dẫn các cháu học. Các con tinh thần vui vẻ, sức khỏe tốt. Ông bà cũng rất vui khi có các cháu ở cùng.

‘Xa con, bố mẹ hơi buồn nhưng cũng vì vậy mà nghĩ ra thêm nhiều trò’, chị Thủy vui vẻ cho biết.

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, chị Thủy làm online tại nhà từ 8h sáng đến 17h30 chiều. Chồng chị cũng làm việc tại nhà vì vậy họ có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân hơn.

‘Trước đó, việc nhà tôi phải nhờ bà nội và bà giúp việc. Cả năm, tôi đi chợ 1, 2 lần còn lại các đồ như hải sản, thịt… đều mua online, chất đầy tủ lạnh. Trở về nhà, tôi chỉ học cùng con khoảng 1 tiếng, sau đó vệ sinh cá nhân và đi ngủ’.

Nay tiết kiệm được thời gian đến công ty, chị Thủy có thể vào bếp nấu cơm cho hai vợ chồng. Không chỉ vậy, chị còn làm thêm các món ăn mà chị chia sẻ ‘cả đời tôi chưa bao giờ làm’. Theo đó, chị Thủy mua nguyên liệu về làm kim chi, dưa muối.

Chị nói: ‘Cả đời, tôi chưa bao giờ muối dưa. Lần đầu tiên, tôi lên mạng, vào các hội nhóm để tìm công thức, kinh nghiệm và làm theo. Tôi nhận ra, các món ăn do các cụ làm ngày xưa sáng tạo lại rất phù hợp hoàn cảnh giờ. Ví dụ dưa muối rẻ, ăn được nhiều ngày và làm được nhiều món như rang cơm, nấu canh...’

Ở nhà mùa dịch: Vợ bất ngờ với bí mật chồng chưa bao giờ thể hiện
Ở nhà mùa dịch: Vợ bất ngờ với bí mật chồng chưa bao giờ thể hiện
Chị thủy chuẩn bị nguyên liệu để muối dưa

Ngoài ra, thay vì các món đơn giản để tiết kiệm thời gian, nay chị có thời gian đầu tư những món cầu kỳ, công phu hơn.

Không chỉ chị Thủy, chồng chị cũng xắn tay áo vào bếp lần đầu tiên sau hơn 10 năm kết hôn.

‘Bao nhiêu năm giờ mới phát hiện chồng có thể nấu cơm thậm chí là nấu rất ngon. Do anh bận quá nên trước đây, tôi cứ nghĩ anh ấy không biết nấu’, chị Thủy hào hứng kể.

Bên cạnh đó, khoảng ban công tập thể bé trước đây chỉ có 2, 3 chậu đất để không, nay chị Thủy đầu tư trồng các loại rau thơm, gia vị như hành, ngò, mùi tàu… ‘Tôi trồng để không phụ thuộc vào việc đi chợ hằng ngày. Vì có những lúc nấu cơm, thiếu rau thơm, hành… tôi lại phải chạy ra chợ. Thời gian này, nên tự tạo các nhu cầu thiết yếu để hạn chế ra ngoài’, chị nói thêm.

Điều thay đổi tích cực nhất, chị Thủy nhận thấy là hai vợ chồng dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Trước đây, quá bận công việc nay họ có thời gian để chia sẻ, nói chuyện với nhau hiều hơn.

Vợ chồng chị có sở thích đi cắm trại, cuối tuần họ lại ‘hốt’ các con lên đường đến những điểm gần thành phố để dựng trại.

‘Tuy nhiên thời gian này, không thể ra ngoài, ‘thèm’ được cắm trại quá vì vậy chúng tôi nghĩ ra cách cắm trại ngay tại gia’, chị nói.

Họ dựng lều ngay tại phòng. Sau đó mang các dụng cụ của ‘dân camping' như nồi niêu xoong chảo, bàn ghế gấp, các đồ tiện ích… ra để nấu ăn, sử dụng như một buổi cắm trại thực thụ.

‘Hai vợ chồng như chơi đồ hàng ngày xưa’, chị hài hước cho biết.

Ở nhà mùa dịch: Vợ bất ngờ với bí mật chồng chưa bao giờ thể hiện
Cặp đôi dựng trại tại nhà để đỡ 'thèm' cảm giác đi cắm trại

Chị cũng chia sẻ câu chuyện cắm trại tại gia của mình lên fanpage của dân mua đồ cắm trại. ‘Tưởng như mọi người sẽ trêu chọc ý tưởng rất quái của vợ chồng mình nhưng không ngờ có nhiều gia đình ở Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh… chia sẻ họ cũng tổ chức cắm trại tại nhà. Mọi người tự làm để cho thời gian ở đỡ nhàm chán và không gian sống vui vẻ hơn’, chị kể.

Ngoài ra, đây là khoảng thời gian giúp gia đình chị chi tiêu tiết kiệm hơn.

Trước đây, chị Thủy mất nhiều thời gian mua sắm vì môi trường công sở yêu cầu trang phục, ngoại hình chỉn chu. Hiện, không phải đến công ty nên chị có kế hoạch cắt giảm các khoản không cần thiết như quần áo, mỹ phẩm, nước hoa…

Ngoài ra, chị cũng thanh lý các túi xách, đồ hàng hiệu đắt tiền. Số tiền này chị dùng ủng hộ quỹ chống Covid-19, giúp đỡ một số trường hợp khó khăn và tiết kiệm phòng khi công ty gặp khó khăn, giảm lương… Ngoài có thời gian cho gia đình, chị cũng có thời gian hơn cho bản thân. Mỗi buổi sáng chị dành 1 tiếng tập yoga qua máy tính, buổi tối dành cho bộ môn nhảy zumba.

‘Trước đây, người giúp việc làm cả ngày nay chỉ làm nửa buổi, số công việc còn lại tôi chủ động làm để cơ thể được vận động, tốt cho sức khỏe.

Trong lịch sử đi làm chục năm nay, giờ tôi mới có thể làm được nhiều thứ đến vậy’, chị nói.

‘Kêu ca, than phiền về thời gian bị ‘bó tay bó chân’ nhàm chán trong nhà… sẽ khiến chúng ta tự tạo năng lượng tiêu cực cho bản thân và không giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ rằng, mình nên lạc quan, bảo đảm an toàn sức khỏe để sau dịch có cơ hội trở lại với công việc, cuộc sống bình thường’, chị Thủy cho biết thêm.

Theo Vietnamnet