Vì sao toàn bộ nước Anh bị đặt trong tình trạng khẩn cấp?
Bình luận - Ngày đăng : 22:01, 30/03/2020
Cảnh sát tuần tra tại khu vực Whitley Bay, hạt Northumberland, Anh. Ảnh: PA
Đây là điều chưa từng có trong thời bình ở quốc gia này.
Người mắc và người thiệt mạng không ngừng tăng lên
Tính đến sáng 30.3, tổng số ca mắc COVID-19 của Anh đã là hơn 19.500 người, trong đó hơn 1.220 ca tử vong. Chỉ tính riêng trong vòng 24 giờ qua, Anh cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh với 209 ca và hơn 2.400 ca nhiễm mới.
Nếu so sánh con số này với thời điểm cách đây 3 tuần (ngày 8.3) khi Anh mới ghi nhận khoảng 270 ca mắc COVID-19 và 3 ca tử vong, có thể thấy số ca nhiễm bệnh ở nước này đã tăng lên với tốc độ rất nhanh.
Các chuyên gia cho rằng tốc độ gia tăng người thiệt mạng vì dịch COVID-19 ở Anh thậm chí còn nhanh hơn cả Italy. Có ngày, nước Anh chứng kiến số người tử vong tăng mạnh đến 50%.
Thật đáng buồn là trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 của Anh thì có khá nhiều người là chính trị gia và người thuộc Hoàng gia. Thủ tướng Boris Johnson ngày 27.3 đã thông báo ông dương tính với chủng virus mới này, song ông khẳng định sẽ vẫn dẫn dắt “quốc đảo sương mù” chiến đấu với dịch bệnh thông qua hình thức làm việc trực tuyến.
Điều đáng ngại là trước khi biết mình bị nhiễm bệnh, Thủ tướng Johnson đã tiếp xúc với không ít người. Và ngay sau khi Thủ tướng Anh thông báo đã mắc COVID-19, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock trong ngày 27.3 cũng thông báo mình đã dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó 2 tuần, Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries cũng được xác định đã mắc COVID-19. Điều này đang đặt ra lo ngại về tình trạng sức khỏe của các thành viên khác trong nội các của Chính phủ Anh.
Trong Hoàng gia Anh, Thái tử Anh Charles ngày 25.3 cũng đã được xác định đã mắc COVID-19 và đang tự cách ly tại nhà.
Theo các chuyên gia lý giải, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ lây lan dịch bệnh ở Anh nhanh là bởi chính quyền nước này ban đầu vẫn còn khá chần chừ với việc lựa chọn chiến lược đối phó.
Vào thời điểm cách đây 3 tuần, đứng trước đại dịch COVID-19, Chính phủ Anh vẫn giữ quan điểm thực hiện chiến lược “miễn dịch cộng đồng” để đối phó với suy luận rằng khó có thể nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, nên cần cố gắng trì hoãn đỉnh dịch để chờ đợi việc tạo ra sự miễn dịch cho cộng đồng.
Nhiều chuyên gia của Anh khi đó cho rằng việc thực hiện miễn dịch cộng đồng có thể giúp cơ thể con người tự tạo ra sức đề kháng sau khi đã nhiễm bệnh.
Hơn nữa, để cố gắng giúp cho hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) không bị quá tải, ban đầu chính quyền Anh chủ trương tập trung điều trị cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có các bệnh nền như tim mạch, phổi, tiểu đường… nên những người trẻ, không có bệnh nền dù có một số triệu chứng của việc mắc COVID-19 cũng chỉ được khuyến cáo tự cách ly, không được xét nghiệm và nhập viện nếu không có những diễn biến nghiêm trọng.
Và cũng vì dự báo đỉnh dịch còn xa nên ban đầu Anh đã không áp dụng các biện pháp phòng dịch khắt khe như đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người… vì lo ngại việc thực hiện các biện pháp đó trong một thời gian dài sẽ làm đảo lộn sinh hoạt thường nhật của người dân.
Tuy nhiên, việc số ca lây nhiễm và tử vong liên quan đến COVID-19 tại Anh trong những ngày sau đó đã buộc chính quyền nước này phải thay đổi chính sách phòng chống đại dịch COVID-19.
Chính phủ Anh cách đây một tuần đã cảnh báo Anh hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tương tự như Italy nếu người dân không tuân thủ một cách có trách nhiệm những khuyến cáo của Chính phủ về giữ khoảng cách xã hội an toàn. Việc nhiều người dân Anh thờ ơ và không thực hiện các khuyến nghị hạn chế tiếp xúc xã hội để giảm lây nhiễm COVID-19 đã buộc Chính phủ Anh phải hành động mạnh tay hơn.
Áp dụng các biện pháp mạnh nhất kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai
Trước tình trạng tử vong, nhiễm bệnh liên tục tăng, chiều 29.3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp và đây là điều chưa có tiền lệ trong thời bình.
Bộ trưởng Jenrick nhấn mạnh: "Chúng ta chưa bao giờ có lệnh này kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai", để chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và Chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.
Các biện pháp mạnh trước đó đã được áp dụng ở Anh bắt đầu từ tối 23.3 khi Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố lệnh phong tỏa toàn quốc.
Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc và đến cơ quan làm việc những việc không thể làm được tại nhà. Lệnh phong tỏa cũng cấm tụ tập gặp gỡ từ 2 người trở lên, tuy nhiên 2 người ở cùng một nhà có thể đi cùng nhau. Mọi người có thể ra ngoài tập thể dục như chạy, đi bộ. Mọi hoạt động như gặp gỡ bạn bè, lễ cưới, cúng lễ đông người đều không được phép, trừ trường hợp đám tang. Cảnh sát Anh có quyền hỏi và bắt phạt các trường hợp vi phạm.
Lệnh phong tỏa toàn quốc trên của Anh sẽ kéo dài trong ba tuần và sẽ được chính phủ Anh xem xét gia hạn sau đó nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quan chức phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries, ngày 29.3 nhận định nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa, nước Anh sẽ có nguy cơ phải đối mặt với làn sóng đỉnh dịch COVID-19 lần thứ hai. Vì vậy, lệnh phong tỏa cần được xem xét lại sau mỗi 3 tuần và bà cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.
Bà Harries cho biết hiện giờ còn quá sớm để biết liệu Anh có đạt được kết quả mong muốn là hạ thấp đỉnh dịch lây lan ở Anh hay không, do vậy, việc ngay lập tức dỡ bỏ mọi lệnh phong tỏa, trở về cuộc sống bình thường sẽ vô cùng nguy hiểm. Bà cho rằng trong thời gian 6 tháng tới, chính phủ sẽ đánh giá tình hình sau mỗi 3 tuần và đưa ra những điều chỉnh phù hợp đối với các biện pháp giãn cách xã hội, từng bước đưa nước Anh trở lại hoạt động bình thường.
Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Anh, người giữ vai trò chủ chốt trong các công tác chuẩn bị đối phó với khủng hoảng COVID-19, ông Michael Gove ngày 29.3 cho biết đỉnh dịch không phải "là một thời điểm cố định sẵn". Nhận định này của ông Gove được đưa ra sau khi có một số báo cáo cho rằng đỉnh dịch tại Anh có thể rơi vào ngày 13.4. Ông Gove cho rằng để vượt qua đỉnh dịch phụ thuộc rất nhiều vào hành vi ứng xử, thực hiện các biện pháp cách ly xã hội của người dân.
Hiện nay, ngoài biện pháp phong tỏa và đặt đất nước trong tình trạng khẩn cấp, Anh cũng đã thành lập “đội phản ứng quốc gia về phân phối đồ tiếp tế” để chuyển thiết bị bảo hộ cá nhân tới những người có nhu cầu với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang và cơ quan khẩn cấp khác.
Theo đó, khoảng 170 triệu khẩu trang và gần 10 triệu thiết bị vệ sinh đang được chuyến tới 58 nghìn đơn vị của hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) và các đơn vị chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc. Việc điều trị và chuẩn đoán COVID-19 là hoàn toàn miễn phí cho tất cả người dân Anh, không phân biệt người bản địa hay người quốc tịch khác, kể cả những người đang sinh sống trái phép.
Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương Robert Jenrick trong cuộc họp báo ngày 29.3 còn cho biết chi tiết về cách Chính phủ sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khi khoảng 1,5 triệu người dân Anh phải ở nhà trong 12 tuần. Đó là NHS sẽ chuyển thuốc cho người không được gia đình hỗ trợ thông qua hệ thống hiệu thuốc cộng đồng. Nếu cần giúp đỡ, người dân đăng ký trực tuyến hoặc gọi tới tổng đài và NHS sẽ chuyển thực phẩm và đồ tiếp tế đến tận nhà cho người dân. Ngoài ra, 50 nghìn gói thực phẩm đầu tiên cũng được chuyển cho người dân trong tuần này. Nước Anh đang đẩy mạnh sản xuất các gói thực phẩm để hỗ trợ những người có nhu cầu.
Hiện nước Anh cũng đang tập trung thực hiện khoảng 10 nghìn xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày và giới chức nước này đang tìm cách tập hợp nhiều máy thở hơn nữa.
Chính phủ Anh đã ký một hợp đồng đặt hàng khẩn cấp 10 ngàn máy thở với tập đoàn Dyson nổi tiếng thế giới về các thiết bị lọc không khí và máy hút bụi. Hiện Chính phủ Anh cũng đã yêu cầu hàng loạt hãng, trong đó có Ford, Airbus và Rolls-Royce, tập trung sản xuất hàng nghìn thiết bị y tế để phục vụ cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Chính phủ Anh còn nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều tình nguyện viên tham gia hỗ trợ NHS ứng phó dịch bệnh. Đến nay, số người tình nguyện giúp đỡ NHS đã lên tới hơn 700 nghìn người, vượt mức đề ra ban đầu đến 3 lần khi NHS kêu gọi 250 nghìn tình nguyện viên hỗ trợ.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây thiệt hại đến hoạt động kinh doanh trong nước, chính phủ Anh cũng đã công bố gói giải cứu nền kinh tế trị giá 397 tỷ USD, theo đó Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chi trả 80% lương của người lao động có tên trong bảng lương với số tiền lên tới 2.500 bảng Anh/tháng trong ít nhất ba tháng…
Theo TTXVN