Công nhân mất việc vì dịch Covid-19

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:00, 31/03/2020

​Do dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, công nhân phải nghỉ việc hoặc ít việc.


Số người lao động đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tăng hơn cùng kỳ năm ngoái

Nghỉ bất đắc dĩ

Chị Nguyễn Thị Lam ở phường Cộng Hòa làm việc cho một công ty dịch vụ ở phường Hoàng Tân (cùng TP Chí Linh) từ năm 2010. Theo đúng quy định, ngày 1.2 vừa qua, chị Lam hết thời gian nghỉ thai sản, bắt đầu trở lại công ty làm việc. Nhưng khi đến công ty, chị Lam nhận được thông báo chờ thêm ít ngày nữa vì tình hình sản xuất của doanh nghiệp đang khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do khó nhập hàng từ Trung Quốc. 

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đến thời điểm này, công ty nơi chị Lam làm việc không thể cầm cự thêm, chấp nhận cho phần lớn công nhân nghỉ việc, trong đó có chị. "Phải nghỉ việc bất đắc dĩ tôi rất buồn nhưng cũng thông cảm với tình hình công ty hiện nay. Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất để tôi được đi làm trở lại", chị Lam nói. Chồng chị Lam làm việc trong lĩnh vực vận tải cũng đang thất nghiệp. Vì vậy, vợ chồng chị gần như không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Gần đây, chị Lam phải đi đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Tương tự, dịp này chị Phan Thị Nhân ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) cũng phải nghỉ việc tại Công ty CP Xây dựng và thương mại Tam Kỳ Anh. Chị Nhân làm ở bộ phận thêu hàng đã được hơn 4 năm. Chị Nhân cho biết công việc ở công ty nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe, thu nhập ổn định.

Doanh nghiệp cũng luôn bảo đảm lợi ích cho người lao động nên không ai muốn nghỉ việc giữa chừng. Mấy ngày nay, chị Nhân đã thử đi xin việc ở một số doanh nghiệp nhưng đều không được. Có công ty không nhận vì chị Nhân đã nhiều tuổi. Có nơi nhận vào làm nhưng chị lại không theo được do sức khỏe không phù hợp. Hiện chị Nhân và hơn 10 đồng nghiệp cùng công ty cũ đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đến nay, trong tỉnh có nhiều doanh nghiệp buộc phải cho một bộ phận công nhân nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đầu năm đến ngày 20.3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương tiếp nhận 1.301 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 141 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có từng nhóm công nhân thuộc 1 doanh nghiệp đến đăng ký cùng lúc. 

Thu nhập giảm

Mới đây, các sở, ngành liên quan của tỉnh đã khảo sát 190 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 121.461 lao động. Kết quả, có 2 doanh nghiệp đã ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh; 2 doanh nghiệp dự kiến ngừng hoạt động vào tháng 4 tới; 83 doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất; 66 doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa làm ra; 55 doanh nghiệp gặp khó khăn do tạm dừng tiếp nhận người lao động nước ngoài...

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã kéo theo những hệ lụy xấu với người lao động. Cụ thể, trong số 190 doanh nghiệp đã khảo sát có 774 lao động phải dừng việc, 1.892 lao động đã thôi việc.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, phần lớn các doanh nghiệp (đã thành lập công đoàn cơ sở) báo cáo hiện không tổ chức cho công nhân làm việc thêm giờ. Hơn 30 doanh nghiệp cho tất cả hoặc một bộ phận công nhân nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc tính vào phép năm. Hàng chục doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Việc làm ít đi cũng có nghĩa công nhân bị giảm thu nhập so với trước đây, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở xã Lạc Long (thị xã Kinh Môn) đang làm việc cho một công ty may ở khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành). Chị Hiền cho biết hơn 1 tháng qua công ty gần như không tăng ca, chỉ làm giờ hành chính. Thậm chí có thứ bảy công nhân còn được nghỉ hoặc về sớm hơn nhiều so với thời gian trước. Do đó, tổng thu nhập của chị giảm khoảng 1/3 so với trước. Chị Hiền khá lo lắng vì chị là lao động chính trong gia đình, nuôi 3 con đang tuổi ăn  học.

Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) hiện cũng phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Trong những ngày công nhân nghỉ, doanh nghiệp vẫn trả lương bảo đảm theo đúng mức lương tối thiểu vùng. Nhưng mức này không thể bằng mức thu nhập công nhân đi làm. Anh Phạm Văn Đễ, công nhân công ty cho biết: "Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để công ty trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường. Nếu tình hình này kéo dài thì doanh nghiệp càng khó khăn, công nhân chúng tôi bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi".

NGỌC THANH