Quán ăn thích ứng trong mùa dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 21:48, 31/03/2020

Hầu hết các cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống ở TP Hải Dương đã nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh về tạm dừng kinh doanh để phòng chống dịch Covid-19.


Cửa hàng nước ép hoa quả Mạnh Lộc (TP Hải Dương) giảm 70% doanh thu do mới thay đổi hình thức bán hàng

Để phục vụ nhu cầu của người dân, nhiều chủ cửa hàng nhận đặt hàng và mang đồ giao tận nơi cho khách.

Với 12 nhân viên thường xuyên, trước đây mỗi ngày nhà hàng Túc Mạch ở đường Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương) phục vụ từ 100 - 250 suất cơm văn phòng và nhiều đồ uống khác nhau cho khách. Khách đến chủ yếu là nhân viên văn phòng làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Từ ngày 28.3, nhà hàng này đã không phục vụ khách đến ăn mà chỉ nhận đặt các suất cơm qua điện thoại hoặc internet và cho người giao hàng đến tận nơi. “3 ngày nay, mỗi ngày nhà hàng chỉ bán được từ 20-30 suất cơm. Mặc dù mới bán hàng kiểu này nên lượng khách giảm nhiều, thu nhập thấp nhưng nhà hàng luôn mong muốn bảo đảm an toàn cho mọi người”, anh Nguyễn Mạc Minh, quản lý nhà hàng Túc Mạch cho biết.

Nhiều năm nay, quán miến ngan của chị Vũ Thị Hồng Định ở số 2A phố Nhà Thờ (TP Hải Dương) luôn đông người đến ăn. Thu nhập chủ yếu của gia đình chị Định trông cả vào quán miến ngan này. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND TP Hải Dương, chị Định đã không phục vụ khách ăn tại quán. Nhiều khách quen có nhu cầu nên mỗi sáng chị vẫn làm từ 20-25 suất cho khách đem về nhà ăn. 

Hằng ngày, chị Tăng Thị Thanh ở xã Thanh Lang (Thanh Hà) phải đi gần 20 km để lên TP Hải Dương làm việc. Do nhà ở xa nên chị Thanh thường phải ăn trưa ở ngoài. Từ khi các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tạm dừng hoạt động, chị Thanh và nhiều đồng nghiệp khá lo lắng vì sợ không có nơi ăn trưa. “Một số cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống đã chuyển sang giao hàng tận nơi hoặc cho khách đem về rất phù hợp. Việc này vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị Thanh nói.

3 ngày đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, trung bình mỗi ngày quán nước ép Mạnh Lộc ở phố Tuy Hòa (TP Hải Dương) giảm khoảng 70% doanh thu do chuyển từ phục vụ đồ uống tại cửa hàng sang giao hàng tận tay khách hoặc cho khách đến lấy mang về. Mặc dù vậy, chủ cửa hàng này vẫn vui vẻ và cam kết không tiếp khách uống nước tại quán. Chị Lộc, chủ cửa hàng nói: “Tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ và luôn có ý thức sẵn sàng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Dù bán online nhưng cửa hàng vẫn có nước rửa tay khô và khẩu trang để người chuyển hàng hoặc khách đến lấy đồ thực hiện phòng chống dịch. Quán còn trang bị tấm kính trắng ngăn cách giữa khu vực làm nước ép với bên ngoài để chặn những giọt bắn giữa chủ quán và người đối diện”.

Việc bán đồ ăn uống online hoặc trực tiếp sẽ trở nên an toàn nếu cả người mua và người chuyển hàng tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch đã được cơ quan chức năng khuyến cáo. Ngoài ra, đồ ăn uống cần được đóng gói cẩn thận, bảo đảm vệ sinh. Người mua nên sử dụng các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử hoặc thẻ tín dụng để hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.

HÀ LAN