Thách thức trong thu hút vốn FDI

Kinh tế - Ngày đăng : 12:06, 01/04/2020

Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I.2020 của tỉnh ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Công ty TNHH May Tinh Lợi là một trong số ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng vốn mở rộng sản xuất trong quý I năm nay. Ảnh tư liệu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay được dự báo là một năm nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút vốn FDI. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, trong cái khó lại mở ra những cơ hội.

Sụt giảm dòng vốn

Ngày 20.2, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Công ty TNHH Faraday Products của Mỹ trong KCN Phú Thái (Kim Thành). Dự án có tổng vốn đầu tư trên 18,5 tỷ đồng, chuyên sản xuất động cơ điện một chiều, xoay chiều, bộ cần truyền động tuyến tính… với quy mô từ 18.000-70.000 sản phẩm/năm. Đây là dự án mới duy nhất đầu tư vào KCN của tỉnh trong 3 tháng đầu năm nay. Cũng từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã điều chỉnh 27 lượt dự án FDI nhưng chỉ có 6lượt dự án đăng ký tăng vốn (thêm hơn 54 triệu USD). Riêng dự án may Tinh Lợi 2 mở rộng trong KCN Lai Vu của Công ty TNHH May Tinh Lợi đã chiếm hơn 30% tỷ lệ vốn tăng thêm.

Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI của dự án mới trong các KCN chưa đạt 1% kế hoạch năm. Năm 2020, Ban Quản lý các KCN tỉnh đặt mục tiêu thu hút 20 dự án mới với tổng vốn đăng ký 120 triệu USD và 15 lượt dự án tăng vốn 100 triệu USD. Các mục tiêu đặt ra trong năm 2020 đều thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được của năm 2019.

Lý giải điều này, đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng hiện dư địa để thu hút các dự án đầu tư vào KCN không còn nhiều do tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã hoạt động trong tỉnh đạt trên 70%. Qua nắm bắt tình hình, số lượng doanh nghiệp FDI có nhu cầu mở rộng đầu tư, tăng vốn trong năm nay không nhiều. Ngoài ra, dịch Covid -19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và tác động lớn đến tâm lý của các nhà đầu  tư.

Khó khăn về thu hút vốn FDI không chỉ là thực trạng trong các KCN mà còn là vấn đề chung toàn tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay thu hút vốn FDI của tỉnh đạt hơn 37 triệu USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó chỉ có 5 dự án FDI mới với số vốn đăng ký 6,2 triệu USD, giảm 97,3%. 

Cơ hội mới

Mặc dù thu hút vốn FDI trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của các dự án này vẫn có những điểm sáng nhất định. Cụ thể, trong quý I, tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 180 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một điều đáng chú ý là các dự án đầu tư mới và tăng vốn thời gian qua chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Theo ông Nguyễn Danh Tú, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư), dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ra toàn thế giới đã ảnh hưởng lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của Trung Quốc và các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời điểm này, các nhà đầu tư mới sẽ ngần ngại khi đưa ra quyết định đầu tư, còn đối với các dự án FDI đã đầu tư, nếu có kế hoạch tăng vốn, nhà đầu tư có thể hoãn lại và thực hiện sau.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng sau khi dịch Covid-19 kết thúc có thể sẽ là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng đón nhận nhanh hơn dòng vốn FDI, nhất là dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. “Có thể nhận thấy, các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc đang thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Vì vậy, sau đại dịch, doanh nghiệp nước ngoài sẽ có xu hướng phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội thu hút vốn FDI cho Hải Dương”, ông Tú phân tích.

Theo nhiều chuyên gia về thu hút FDI, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn căng thẳng, thời gian tới dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc có thể được dịch chuyển sang Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 2 vừa qua. Nếu các hiệp định này được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới có thể sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm nay. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Tỉnh nên có chiến lược cụ thể trong tình hình mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành.

LAN NGUYỄN