Sức mạnh trường tồn

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:11, 02/04/2020

Trong những hoàn cảnh gian khó, ngặt nghèo, đất nước vẫn sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, những người đã góp sức lực, trí tuệ và cả máu của mình để giữ bình yên cũng như dựng xây đất nước.

Là một trong nhiều nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, sau những năm đón nhận ánh sáng của Đảng, hòa mình vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhà thơ Chế Lan Viên đã có bước chuyển mình ngoạn mục trong tư tưởng và thi ca. Từ những vần thơ u sầu, hoài niệm, ông đã thổi nguồn cảm hứng lớn lao về đất nước, dân tộc vào trong thơ. “Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương” là một trong số những bài thơ ấy. Với tấm lòng biết ơn, tự hào khi hướng về nguồn cội, nhà thơ đã phần nào lý giải sức mạnh hào hùng của dân tộc trong những tháng năm chiến đấu bảo vệ bờ cõi, biên cương.

Bài thơ lý giải về tình yêu Tổ quốc một cách dung dị và dễ hiểu, cho dù đó là tình cảm lớn lao và có thể khiến người ta sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình. Đó là “Sinh ra ai không có một Tổ quốc để mà yêu để mà gìn giữ”. Nó như một điều đương nhiên đã hòa vào mạch máu, hơi thở của mỗi người con trên đất nước mình. Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc không phụ thuộc vào đất nước ấy nhỏ hay to, giàu có hay còn gian khổ. Thậm chí đất nước càng nhỏ bé, khó khăn, tình yêu càng nồng nàn, mãnh liệt: “Cho đến những đất nước li ti một chấm trên bản đồ/ Chấm càng nhỏ trái tim yêu càng phải lớn”. Chính bởi vậy, đất nước Việt Nam nhỏ bé, kiên cường càng thức dậy tình yêu trong người nghệ sĩ. Đất nước ta có lịch sử hào hùng với biết bao cuộc chiến với ngoại bang để giữ độc lập cho dân tộc, những cuộc chiến với thiên tai để giữ bình yên cho nhân dân: “Tổ quốc bốn nghìn năm hưng vong binh lửa bao lần/ Hết giặc Ân thứ nhất rồi giặc Ân thứ hai.../ Cơn bão thứ một trăm rồi cơn bão thứ một nghìn.../ Hết quân Nguyên cỡi ngựa rồi quân Nguyên có B.52”. Tất cả những thử thách khắc nghiệt đó không triệt tiêu được sức sống, ý chí của người dân trên dải đất hình chữ S mà dường như còn trở thành động lực để chúng ta vượt qua, vươn lên: “Càng bão lửa điên cuồng, ta càng hồi sinh dậy”.

Trong cảm hứng về Tổ quốc, dân tộc, nhiều nhà thơ đã đi tìm nguyên do, cội nguồn cho sức mạnh của đất nước nhỏ bé mà kiên cường này. Cũng trong mạch nguồn đó, Chế Lan Viên đã hướng tầm nhìn về nguồn gốc của dân tộc, nơi sinh ra dòng sức mạnh trường tồn: “Ta biết ơn cánh chim Lạc đã chọn cho ta bờ biển ấy…/ Trăm trứng Âu Cơ hết lượt này lượt khác nở ra trăm lứa anh hùng”. Hình ảnh cánh chim Lạc trên mặt trống đồng, hình ảnh trăm trứng của Mẹ Âu Cơ là những biểu tượng thiêng liêng cho cội nguồn dân tộc, kết tinh ý nghĩa về tình đoàn kết của những người sống trong những điều kiện khác nhau nhưng vẫn gọi nhau thân thương hai tiếng “đồng bào”. Ý thức về chung nguồn cội đã tạo ra sức mạnh cho chúng ta hay chính sự đoàn kết của những người chung sống, chiến đấu trong cùng bờ cõi đã cho ra đời những truyền thuyết đẹp như thơ.

Trong những hoàn cảnh gian khó, ngặt nghèo, đất nước vẫn sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, những người đã góp sức lực, trí tuệ và cả máu của mình để giữ bình yên cũng như dựng xây đất nước. Mảnh đất này được giữ gìn tới ngày nay là nhờ có máu xương, mồ hôi của biết bao thế hệ: “Cấu tạo chất đất ở đây là như vậy/ Tấc đất, tấc mồ hôi, tấc đất phù sa, tấc máu”. Thêm một lần Chế Lan Viên tiếp tục khẳng định về vẻ đẹp của đất nước thời đại Hồ Chí Minh, khi “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”: “Tầm vóc thời Hồ Chí Minh phá khổ các tờ thơ”. Những người con vĩ đại đã đổ máu vì đất mẹ để chúng ta có một đất nước “không gì không ai tiêu diệt nổi/ Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương...”. Sau những vần thơ mang âm hưởng hào hùng, câu kết bài thơ lại thật nhẹ nhàng đầy suy tưởng; giống như sau nghìn năm lửa đạn chống quân thù, đất nước lại yên bình như thời Vua Hùng lập quốc. Sức mạnh và ý chí được khơi dậy, xây dựng, tiếp nối từ nguồn cội của dân tộc sẽ còn trường tồn, để đất nước ta ngày càng phát triển rực rỡ hơn.

Bài thơ với những hình ảnh mang tính biểu tượng cho tầm vóc cả dân tộc hòa quyện với tình cảm xúc động, biết ơn và tự hào. Những tình cảm ấy không khiến tinh thần bài thơ trở nên yếu đuối mà càng nâng lên vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam. Trong những ngày tháng ba này, khi cả nước đang đối mặt với thách thức của một loại giặc mới có tên gọi virus Corona, đọc lại bài thơ “Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương”, chúng ta thêm vững tin tinh thần đoàn kết, sức mạnh được truyền từ cội nguồn dân tộc sẽ giúp đất nước một lần nữa vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù dù hữu hình hay khuất mặt.

SONG KHUÊ

Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương

“Hai tiếng Việt Nam rất đáng tự hào”
Sinh ra ai không có một Tổ quốc để mà yêu
                                                        để mà gìn giữ
Người Nga yêu đất Nga, người Pháp chết cho đất Pháp
Người này chiến đấu dưới gốc bạch dương,
Người kia hy sinh bên rặng liễu.
Cho đến những đất nước li ti một chấm trên bản đồ
Chấm càng nhỏ trái tim yêu càng phải lớn...
Cho chấm ấy người ta sẵn sàng
Dâng đời mình trọn vẹn
Ôi ta trăm lần yêu Tổ quốc Việt Nam ta...
Tổ quốc bốn nghìn năm hưng vong binh lửa bao lần
Hết giặc Ân thứ nhất rồi giặc Ân thứ hai...
Cơn bão thứ một trăm rồi cơn bão thứ một nghìn...
Hết quân Nguyên cỡi ngựa rồi quân Nguyên có B.52
Càng bão lửa điên cuồng, ta càng hồi sinh dậy
Ta biết ơn cánh chim Lạc đã chọn cho ta bờ biển ấy
Nơi dòng sông giống giao hoan thạp đồng Đào Thịnh
Trăm trứng Âu Cơ hết lượt này lượt khác nở ra 
                                                        trăm lứa anh hùng
Những anh hùng về sau càng vóc dáng lớn hơn
                                                        các anh hùng trước.
Những trang sách không vừa tầm vóc họ,
Tầm vóc thời Hồ Chí Minh phá khổ các tờ thơ
Ở đâu người ta bảo vệ Tổ quốc bằng cầm một nhành suy tưởng, một nhành hoa
Ở đây ta hãy đem sinh mệnh mình mà giữ lấy
Nguyễn Văn Trỗi góp vào đấy nhẫn tân hôn và 
                                                         tổng số máu mình
Ở đây không đổ máu không còn Tổ quốc
Định nghĩa Việt Nam là phải cầm vũ khí diệt thù...
Cấu tạo chất đất ở đây là như vậy.
Tấc đất, tấc mồ hôi, tấc đất phù sa, tấc máu.
Những tầng tầng lớp lớp nghĩ suy, mồ hôi, 
                                                      xương máu của cha ông
Giành đi giật lại bao đời cho Việt Nam tồn tại...
Ôi Việt Nam, đất nước không gì không ai tiêu diệt nổi.
Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương...

CHẾ LAN VIÊN