Nhân lên giá trị cội nguồn dân tộc

Xã hội - Ngày đăng : 12:03, 02/04/2020

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam.

Từ năm 2019,  tỉnh Phú Thọ khuyến khích các gia đình làm mâm cơm cúng nhân ngày Giỗ Tổ

Vì vậy, vào những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đồng bào ta không chỉ hướng về Đền Hùng mà trong mỗi nếp nhà của gia đình đều thành kính dâng cúng mâm cơm tri ân công đức các Vua Hùng - tổ tiên của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời trở thành tiếng nói chung, là sự tự ý thức về nguồn cội của các thế hệ người Việt. Tất cả đều là đồng bào, là người trong một nước, cùng một tổ, chung cội, chung giàn. Quan hệ đó đã đem lại tâm lý yêu thương, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung với nhau, cùng tồn tại và phát triển bền lâu, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh đó đã đưa dân tộc ta lên đỉnh vinh quang của lịch sử, sánh vai với các cường quốc năm châu. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện vào ngày 10.3 âm lịch. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trên khắp mọi miền của đất nước và lan tỏa ở nhiều nước trên thế giới nơi có kiều bào Việt Nam sinh sống. Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam. Với ý nghĩa đó, từ năm 2019 Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng đã khuyến khích các gia đình làm mâm cơm cúng tổ tiên, Vua Hùng, góp phần khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là việc làm ý nghĩa tạo nên điểm tựa tinh thần, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết, khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Nhớ lại hình ảnh của ngày Giỗ Tổ năm ngoái, mới sáng sớm, gia đình ông Nguyễn Đình Cương ở khu 1, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã nhộn nhịp tiếng nói cười vui vẻ của các con cháu ở khắp nơi về tụ họp cùng háo hức chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, Vua Hùng.

Là con trưởng của gia đình có công với cách mạng, ông Cương được thừa hưởng từ dòng tộc những nền nếp, gia phong và truyền thống thờ cúng tổ tiên - nét đẹp văn hóa của người Việt có từ ngàn đời. Theo truyền thống gia đình để lại, việc thờ cúng xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình. Bản thân ông cũng luôn ý thức rằng thờ cúng tổ tiên không phải là bày biện cỗ bàn linh đình, hay mê tín cúng bái mà là nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của cha ông để lại. Từ những sản vật sẵn có trong vườn nhà, ông Cương đã chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn Vua Hùng đã đặt nền móng ban đầu cho cuộc sống muôn dân.

Theo ông, có thể mỗi vùng miền sẽ có những cách thức chuẩn bị, lựa chọn các món và bày biện khác nhau, nhưng có lẽ điều chung nhất đó là món bánh chưng, bánh dày không thể thiếu trong mâm cơm cúng để dâng lên tổ tiên, bởi đây là 2 sản vật gắn liền với truyền thuyết về lòng hiếu thảo. Cùng với đó, ván xôi con gà cũng là lễ vật chính trong mâm cỗ cúng. Các loại sản vật khác như thịt lợn, giò, chả, nem, rau, củ, quả cũng không thể thiếu. Tất cả đều thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên, với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở; cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, gia đình dòng tộc anh em cùng đoàn kết, phấn đấu học tập, lao động tiến bộ, yêu thương nhau như anh em một nhà đúng như cội nguồn cùng sinh ra từ "bọc trăm trứng" của Mẹ Âu Cơ.

Ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: Thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mùng 10.3, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc. Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ, trong đó có mâm cơm là một nghi lễ rất quan trọng.

Có thể khẳng định, thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ trọng là nét đẹp văn hóa đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở vùng Đất Tổ cội nguồn đã có từ hàng nghìn năm nay và trở thành một bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “con người có tổ có tông”, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải là một tôn giáo mà là một đạo hiếu được hun đúc qua hàng nghìn năm và tạo ra sức mạnh tinh thần quật cường được truyền từ đời này qua đời khác, giúp người Việt luôn chiến thắng mọi nghịch cảnh, đồng thời tạo ra giá trị cốt lõi, phẩm hạnh của người Việt.

HUYỀN NGA