Sự kiện nổi bật ngày 3.4

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 19:06, 03/04/2020

Thường trực Chính phủ họp trực tuyến về phòng chống dịch; Quỹ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh nhận được hơn 500 triệu đồng trong 1 ngày... là những sự kiện nổi bật ngày 3.4.

TRONG NƯỚC


Chiều 3.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm. Tinh thần là phải thực hiện quyết liệt cách ly xã hội, không được chần chừ và không lo ảnh hưởng kinh tế. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao có thể dẫn đến phá vỡ hệ thống cơ sở vật chất phòng và điều trị bệnh. Do vậy phải tuân thủ chốt chặn nguồn lây lan từ bên ngoài, khoanh chặt các ổ dịch bên trong. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Chiều 3.4, tại Hà Nội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm chung tay phòng chống dịch COVID-19.  Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết những ngày qua, đã có rất nhiều chia sẻ gửi tới MTTQ Việt Nam các cấp. Đến nay, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch đã đạt khoảng 700 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân trong công cuộc chiến với đại dịch. Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ của Công ty Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Ngày 3.4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO2020), ấn phẩm được phát hành thường niên của ADB trong nhiều năm qua. Theo Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm cùng nhiều rủi ro từ dịch COVID-19 đang diễn ra tác động tới tình hình tăng trưởng kinh tế song Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Người dân đến mua sắm tại siêu thị Co.opmart, Vĩnh Long. Ảnh: Thúy Hằng-TTXVN


Thông tin từ Ban điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết ngày 3.4, cả nước có thêm 10 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong 10 ca khỏi bệnh có 7 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có 85 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong ảnh: Đại diện các bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện tỉnh Bình Thuận được ra viện tặng hoa cám ơn các y, bác sĩ. Ảnh: Nguyễn Thanh – TTXVN


Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết đến sáng 3.4, trên tất cả các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang ùn ứ khoảng 1.000 phương tiện chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo thời gian tới, tình hình này sẽ chưa được cải thiện bởi việc trao đổi, giao nhận hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Xe nông sản ùn ứ dài trên quốc lộ 1A lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy - TTXVN


Theo thông tin từ Công an TP Đà Nẵng, đến sáng 3.4, bước đầu lực lượng chức năng đã xác định 9 đối tượng liên quan đến vụ 2 cảnh sát hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong đêm. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 7 đối tượng và đang tiến hành làm rõ 2 đối tượng khác. Trước đó, vào tối 2.4, trong quá trình truy đuổi các đối tượng lạng lách, đánh võng đến đoạn đường gần cầu Mân Quang thuộc địa bàn quận Sơn Trà  thì xảy ra va chạm giao thông khiến 2 đồng chí cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận Sơn Trà là Đại úy Đ.T.T (sinh năm 1971) và Trung sĩ V.V.T (sinh năm 1997) hy sinh; một người dân bị thương là M.Q.L (sinh năm 1985, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Trong ảnh: Lực lượng chức năng phân luồng giao thông tại hiện trường vụ va chạm. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN

TRONG TỈNH


Ngày 3.4, Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh đã nhận được 530 triệu đồng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ. Đây là ngày quỹ nhận được nhiều tiền ủng hộ nhất kể từ khi đợt vận động được triển khai. Trong đó, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc ủng hộ nhiều nhất với số tiền 200 triệu đồng. Tiếp đến là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hải Dương, mỗi đơn vị ủng hộ 100 triệu đồng. Trong ảnh: Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trao tiền hỗ trợ cho Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Ảnh: Tiến Mạnh


Chiều 3.4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hải Dương tổ chức diễn tập phong tỏa, cách ly nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, phối hợp, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch xảy ra trên địa bàn. Tình huống diễn tập cụ thể là ngày 3.4, hai người ở phố Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Chủ tịch UBND thành phố triệu tập cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo để xem xét, quyết định đề nghị UBND tỉnh thiết lập vùng cách ly. Theo đó, khu vực cách ly trên phố Nguyễn Thị Duệ dài gần 1 km thuộc 4 khu dân cư của 3 phường Thanh Bình, Phạm Ngũ Lão và Việt Hòa. Sau hơn 1 giờ thực hiện, diễn tập phòng chống dịch đã thành công, đạt mục đích, yêu cầu đề ra...  Trong ảnh: Thiết lập các chốt kiểm soát. Ảnh: Hà Lan

Ngày 3.4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương bắt đầu triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2. Trước đó, bệnh viện đã bổ sung 1 hệ thống máy xét nghiệm, đồng thời được hỗ trợ 300 bộ kit test xét nghiệm chẩn đoán của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Như vậy đến nay, 3 đơn vị trong ngành y tế Hải Dương thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong ảnh: Các thành viên đội phòng và kiểm soát dịch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương có nhiệm vụ phối hợp với các khoa nhằm sàng lọc, kiểm tra, phát hiện dịch bệnh kịp thời. Ảnh: PV

QUỐC TẾ


Số liệu mới nhất do trang mạng worldometer.info cập nhật đến 10 giờ 25 GMT (17 giờ 25 theo giờ Việt Nam) ngày 3.4 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên tới 1.030.193 người, với 54.198 trường hợp tử vong. Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học John Hopkins cập nhật lúc 10 giờ GMT (17 giờ theo giờ Việt Nam) cho thấy số ca mắc bệnh ở Mỹ là 245.573 người, ở Italy là 115.242 người, ở Tây Ban Nha là 112.065 người và ở Đức là 84.794 người. Trong ảnh: Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: The New York Times/TTXVN


Ngày 2.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng để các doanh nghiệp sản xuất máy trợ thở dành cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhận được nguồn cung ứng các vật tư cần thiết. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 do số người mắc bệnh tăng quá nhanh. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Nhà Trắng ở Washington, DC., Mỹ, ngày 2.4. Ảnh: AFP/TTXVN


Hãng Google cho biết sẽ công bố dữ liệu thông tin về vị trí của những người sử dụng dịch vụ của hãng này trên toàn cầu kể từ ngày 3.4 để hỗ trợ chính phủ các nước đánh giá hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, những thông tin về việc đi lại của những người sử dụng dịch vụ của Google tại 131 quốc gia sẽ có sẵn trên một trang web đặc biệt của hãng và sẽ cho thấy dưới dạng biểu đồ xu hướng đi lại của những người này theo thời gian tại từng khu vực địa lý. Trong ảnh: Biểu tượng của Google tại tòa nhà ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN


Người đứng đầu dự án carbon toàn cầu (Global Carbon Project) - một mạng lưới các nhà khoa học chuyên cung cấp dữ liệu phát thải chuẩn, ông Rob Jackson ngày 3.4 cho biết lượng khí thải CO2 trong năm nay có thể giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, khiến cho nền kinh tế thế giới bị đình trệ nghiêm trọng. Ông Jackson cho hay lượng phát thải CO2 có thể giảm hơn 5% so với năm trước, lần giảm đầu tiên kể từ mức giảm 1,4% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Trong ảnh: Sương mù bao phủ bầu trời tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN