Không quên cội nguồn

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 08:57, 05/04/2020

Ở Hải Dương có nhiều ngôi làng dù nằm ở những nơi khác nhau song lại có mối quan hệ mật thiết, gắn bó.

Đền thờ Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng Vương thứ 18, tại cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài (TP Hải Dương)

Sự gắn kết đó được hình thành từ tình đồng bào, truyền thống con Lạc cháu Hồng không quên cội nguồn, gốc rễ. 

Nhớ đất ông cha

Ở khu dân cư Kênh Giang, phường Văn Đức (TP Chí Linh) có một ngôi đền đặc biệt ở bên bờ sông thờ danh tướng Yết Kiêu. Ngôi đền này không chỉ là công trình văn hóa, tín ngưỡng mà còn lưu giữ cội nguồn của người Kênh Giang. Theo ông Nguyễn Văn Vãn, Ban khánh tiết đền Yết Kiêu, người Kênh Giang vốn là dân chài lưới, trước năm 1945 định cư tại thôn Nam Giàng, xã Thượng Đạt, nay là xã An Thượng (TP Hải Dương). Khi đó ở Nam Giàng đã có một ngôi đền thờ danh tướng Yết Kiêu. 

Khoảng năm 1945, ngôi đền bị giặc Pháp đốt phá, nhân dân trong thôn đã dời thánh Yết Kiêu xuống thờ dưới thuyền. Từ đó mỗi khi đi làm ăn ở đâu, người Nam Giàng lại mang bài vị thánh cùng các đồ thờ tới đó để hương khói. Vì tính chất sông nước, lại không có nơi định cư cố định nên cứ đi đến đâu bài vị đức thánh lại được thờ nhờ ở các đình, đền của địa phương đó.

Năm 1958, xã Kênh Giang được thành lập, một phần người dân Nam Giàng tụ cư lấy tên làng cũ ghép lại lập nên làng mới là Nam Hải và lập đền thờ Yết Kiêu như ngày nay. Ông Đào Văn Hè, nguyên Trưởng khu dân cư Kênh Giang nhớ lại: "Bản thân tôi sinh ra ở thôn gốc Nam Giàng. Sau do loạn lạc, cùng cha mẹ xuống thuyền sinh kế rồi đến định cư ở Nam Hải (Kênh Giang). Tuy vậy, người dân Nam Hải vẫn không quên cội nguồn, gốc rễ, nơi mình chôn nhau cắt rốn. Mỗi khi bà con ở quê cũ có việc ma chay, cưới hỏi, họ hàng ở Nam Hải lại kéo về chia sẻ". 

Người Việt không lạ lẫm với câu chuyện “Tiên Dung - Chử Đồng Tử” mang đậm màu sắc lịch sử và huyền thoại. Trong ngôi chùa cổ Bảo Sài ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có một công trình đặc biệt là đền thờ Tiên Dung công chúa, con gái Vua Hùng thứ 18, người đã có cuộc gặp gỡ Chử Đồng Tử rồi nên duyên vợ chồng ở một bãi sông. 

Điều lý thú là ở đây và các vùng lân cận có rất nhiều người mang họ Chử. Sự xuất hiện của dòng họ Chử tại đây khiến câu chuyện “Tiên Dung - Chử Đồng Tử” thời Vua Hùng không còn là huyền thoại. Các cụ cao tuổi truyền lại rằng, sau khi Tiên Dung và Chử Đồng Tử trở thành vợ chồng, Vua Hùng giận không cho trở về triều. Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá, dạy dân làm ăn, biến bãi sông hoang vắng thành nơi buôn bán sầm uất. Từ đó, con cháu Chử Đồng Tử nối nghiệp tổ tiên mang theo vị phúc thần của dòng họ đi mở mang những miền đất mới, trong đó có nơi đây. Làng Bảo Sài xưa có hơn 40 gia đình mang họ Chử. Trong quá trình phát triển, họ Chử thôn Bảo Sài phân ra các chi: Chử Đức, Chử Hữu, Chử Ngọc, Chử Bá. Nằm bên sông Sặt, cháu con dòng họ Chử vẫn theo nghiệp ông cha làm nghề đánh bắt cá, buôn bán trên sông nước. Từ khi có con đê ngăn cách bãi triều với sông, làng Bảo Sài nằm trong nội thành, người họ Chử không còn theo nghề cũ mà chuyển sang các nghề khác. Tuy vậy, nhớ về nguồn cội, mọi người vẫn tôn thờ vị phúc thần của dòng họ là đức Thánh mẫu Tiên Dung tại chùa Bảo Sài. 

Thắm tình giao hảo

Không chỉ ở Bảo Sài, thôn Bình Lâu liền kề, nay là một phố thuộc phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng rất đông người họ Chử sinh sống. Khi được hỏi về nguồn gốc dòng họ Chử ở TP Hải Dương, những người cao tuổi bảo các cụ xưa truyền lại, chi họ Chử có nguồn gốc sâu xa từ Hưng Yên di cư về đây sống nhiều đời. Nhớ cội nguồn, người dân Bình Lâu và Bảo Sài cùng lấy dịp mùng 10.3 âm lịch, trùng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tổ chức lễ hội làng. Để tưởng nhớ tổ tiên, một số năm vào trung tuần tháng 2 âm lịch, đại diện hai làng tổ chức các đoàn đại biểu về huyện Khoái Châu (Hưng Yên) dự lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đặc biệt, từ lâu họ Chử ở Bảo Sài và họ Chử ở Bình Lâu có quan hệ mật thiết. Tình cảm đó được vun đúc qua mỗi thế hệ, người hai nơi ngày càng gần gũi, gắn bó như anh em một nhà.

Mối thâm giao giữa làng Phù Tải, xã Kim Đính (Kim Thành) và Phù Tải, xã Thanh Giang (Thanh Miện) cũng là một câu chuyện thú vị. Qua quá trình công tác, một số người ở thôn Phù Tải, xã Thanh Giang phát hiện tại xã Kim Đính có một ngôi làng cũng mang tên Phù Tải với nhiều địa danh giống hệt địa phương mình như chợ Giải, chùa Giải, đình Giải… Từ sự trùng lặp đó, người dân hai làng đã tìm hiểu từ xa xưa hai làng từng có những mối liên hệ mật thiết. 

Ông Nguyễn Trọng Dẫu, thủ nhang đình Giải, thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính kể: Theo tài liệu nghiên cứu về lịch sử hai làng, vào đầu thế kỷ 19, rất nhiều người dân làng Phù Tải, xã Thanh Giang bị Nguyễn Ánh tàn sát vì ủng hộ tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng. Trong tình thế loạn lạc, nhiều người Phù Tải ở xã Thanh Giang đã tìm về xã Kim Đính lập nghiệp. Để nhớ về quê cũ, bà con đã lấy tên làng, tên chợ, tên cánh đồng… của Phù Tải ở Thanh Giang đặt cho quê mới. Một trong những câu chuyện còn lưu truyền là thời đó, có nhà sư tên Lý Cắng ở thôn Phù Tải, xã Thanh Giang đã về Phù Tải, xã Kim Đính xây chùa Giải. Sau này khi bạo loạn qua, nhân dân quê cũ mất mùa đói kém, nhà sư đã cùng hai người giúp việc ở Phù Tải, xã Kim Đính cho vận chuyển thóc gạo về Phù Tải, xã Thanh Giang cứu giúp nhân dân, đóng góp công của, xây dựng lại quê cũ. Sau này nhà sư và hai cụ giúp việc đã được nhân dân hai địa phương tạc tượng thờ. Từ năm 2000, người dân hai thôn Phù Tải thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, nối lại tình thâm giao. Mối quan hệ gắn bó giờ không chỉ bó hẹp giữa 2 thôn Phù Tải mà còn được mở rộng tới cả chính quyền hai xã Kim Đính và Thanh Giang. 

Mối gắn kết giữa các làng quê thể hiện truyền thống đoàn kết keo sơn, không quên cội nguồn của người Việt.

NGỌC HÙNG