Thế giới học được gì từ thất bại và thành công của Italy trong dịch COVID-19
Bình luận - Ngày đăng : 13:06, 05/04/2020
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, tỉ lệ gia tăng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đang giảm dần kể từ ngày 8.3 và trong những ngày gần đây, số ca bệnh nhân mới hàng ngày cũng bắt đầu giảm. Điều này có thể cho thấy Italy “đang làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch, tức là sự lây lan của SARS-CoV đang giảm dần.
Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu choáng váng chứng kiến sự bùng nổ và lây lan dữ dội của SARS-CoV-2. Tính đến hết ngày 3.4, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này là 119.827 ca, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, nhưng Italy lại đứng đầu thế giới về số ca tử vong, với 14.681 trường hợp. Từ ngày 9.3, toàn bộ đất nước 60 triệu dân này đã được đặt dưới lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, những số liệu gần đây - thể hiện tỷ lệ lây nhiễm và số ca bệnh mới đều đang giảm - đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch của Italy. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cộng đồng tại Italy vẫn rất thận trọng trước khi có thể vui mừng. "Đúng là chúng tôi đã ‘làm phẳng được đường cong’. Chúng tôi đã nhìn thấy một vài ánh sáng hy vọng nơi cuối đường hầm nhưng con đường này vẫn rất, rất dài", ông Lorenzo Casani, Giám đốc một bệnh viện dành cho người cao tuổi ở tâm dịch Lombardy, miền Bắc Italy, cho biết.
Italy có thực sự đang "làm phẳng đường cong"?
Theo tạp chí Time, những dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau đều cho thấy Italy đã "làm phẳng đường cong" dịch bệnh.
"‘Số liệu thần kỳ’ đó là tỷ lệ phần trăm gia tăng trong tổng số ca mắc COVID-19 so với ngày trước đó. Khi nào tỷ lệ này đạt mức 0% thì đồng nghĩa không còn ca bệnh mới nào nữa", ông Nino Cartabellotta, Chủ tịch Quỹ GIMBE - một tổ chức đào tạo và nghiên cứu hệ thống chăm sóc sức khỏe Italy – giải thích. Dữ liệu quốc gia của Italy cho thấy từ ngày 31/3 - 1/4, Italy chỉ tăng 4,5%/ngày trong tổng số ca mắc COVID-19, một con số khả quan hơn nhiều những thống kê trước đó, điển hình như mức tăng 12,6% giữa ngày 16 và 17.3.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đánh giá đây chưa phải là lúc để "ăn mừng" thành quả này.
"Chúng ta cần phải rất thận trọng với sự lạc quan hiện tại”, ông Casani cảnh báo, “Chúng ta không nên ‘thở phào’ bởi những con số này". Mặc dù các số liệu chính thức cho thấy các ca mắc COVID-19 mới đều có xu hướng giảm nhưng số liệu này vẫn chưa tính tới những người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn chưa được xét nghiệm.
Italy đã mất bao lâu để "làm phẳng đường cong"?
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, nước này mất khoảng 3 - 4 tuần để làm phẳng đường cong của biểu đồ diễn biến dịch. Từ ngày 6 - 7.3, Italy đã chứng kiến mức tăng 26,9% trong tổng số các ca mắc bệnh mới, song sau đó, tỷ lệ này đã giảm dần trong những tuần qua.
Hôm 31.3, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dựa trên "đường cong dịch bệnh" tại Italy đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng ông Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
Chính phủ Italy đang lên kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa đến 13/4, và có thể xa hơn thế nhiều. “Chúng ta không thể lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa lúc này”, Thủ tướng Italy, Giusepp Conte tuyên bố trên truyền hình hôm 1.4.
Thế giới có thể học được gì từ Italy?
Theo tờ Time, các chuyên gia đều cho rằng những quốc gia khác đang vật lộn chiến đấu với dịch COVID-19 có thể học hỏi được từ cả những sai lầm và thành công của Italy.
Những gì Italy trải qua trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc can thiệp sớm ở những quốc gia chưa từng trải qua một dịch bệnh nghiêm trọng. Ca mắc COVID-19 đầu tiên chỉ được phát hiện ở Italy vào ngày 20.2 nhưng SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan khắp quốc gia này trong suốt 2 - 3 tuần trước đó, khiến họ bỏ lỡ cơ hội “vàng” ngăn chặn sự lây lan của virus ngay từ ban đầu.
Một số chuyên gia cho rằng thậm chí cả khi được phát hiện từ sớm thì các nhà chức trách Italy vẫn hành động quá chậm trong việc thực hiện các biện pháp phong tỏa do lo ngại có thể làm ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn mong manh của nước này.
"Những gì Italy trải qua đã cho thấy các quốc gia khác không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề và phải học hỏi từ những sai lầm của chúng tôi", ông Cartabellotta, Chủ tịch Quỹ GIMBE, nói.
Tuy nhiên, các nhà chuyên gia nhận định vẫn còn rất nhiều điều thế giới có thể học hỏi được từ những việc Italy đã làm đúng.
Việc số ca mắc COVID-19 mới đang giảm dần phần lớn là nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà chính phủ Italy đã thực hiện, qua đó đóng cửa gần như tất cả các cơ sở kinh doanh và dừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu cũng như hạn chế ra đường ở mức tối đa trên toàn quốc. Chuyên gia Cartabellotta cho biết những biện pháp này đã "làm giảm sự lây lan của virus, trì hoãn đỉnh dịch, giảm quy mô và sự lan rộng của dịch bệnh trong thời gian lâu hơn để hệ thổng y tế có thể chuẩn bị và xử lý tốt hơn các ca bệnh rõ triệu chứng".
Mặc dù Italy đã chậm chạp trong việc phát hiện virus xâm nhập, song theo bà Riccardo, chính phủ nước này đã hành động khá quyết liệt khi SARS-CoV-2 đã được phát hiện.
"Italy đã áp dụng một chính sách vô cùng quyết liệt cả trong việc theo dõi và điều tra tiếp xúc lẫn việc tăng cường các biện pháp để chuẩn bị cho sự gia tăng các ca bệnh mới", bà nói. Tỷ lệ xét nghiệm ở từng khu vực khác nhau, nhưng nhìn chung Italy đã tiến hành nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu (EU).
Giám đốc Y tế Casani thì cho biết ông và các bác sĩ khác đã nhận ra tầm quan trọng của việc điều trị bệnh COVID-19 từ những giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu, với các triệu chứng giống như cúm, là một thời điểm quan trọng cần tới các biện pháp can thiệp bởi khi bệnh tiếp tục nặng lên, các bệnh nhân sẽ có những phản ứng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, cần được chăm sóc tích cực. Theo chuyên gia Casani, để các quốc gia tránh những tổn thất không cần thiết và giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế, các biện pháp can thiệp là cần thiết trước khi bệnh diễn biễn xấu hơn.
Ngoài những điều Italy đã làm sai và làm đúng, bà Flavia Riccardo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm, Viện Y tế Quốc gia Italy, cho rằng dịch COVID-19 ở Italy với tỷ lệ tử vong cao, đã cho thế giới thấy virus SARS-CoV-2 có thể nguy hiểm như thế nào.
"Vào cuối tháng 2, thế giới đã nhìn về phía chúng tôi, cho rằng điều này là không thể nào xảy ra với họ và phải có lỗi nào đó trong hệ thống y tế của Italy. Nhưng bây giờ, khi các quốc gia trên khắp thế giới đều đang trải qua những đợt bùng phát dịch trên đất nước mình, họ mới hiểu rằng tất cả chúng ta đều đang đối diện với một dịch bệnh có khả năng lây lan, gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và có thể khiến nhiều người tử vong", bà Riccardo nói.
Theo báo Tin tức