Hoa hậu Anh cất vương miện về làm bác sĩ chống COVID-19

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 16:41, 07/04/2020

Bhasha Mukherjee, Hoa hậu Vương quốc Anh năm 2019, được ngợi ca là một phụ nữ toàn diện, vừa đẹp người, đẹp nết lại thông minh và giàu tri thức.

Hoa hậu Anh cất vương miện sắc đẹp, về làm bác sĩ chống COVID-19 - Ảnh 1.

Bhasha Mukherjee tỏa sáng trong đêm chung kết Hoa hậu Anh năm 2019 - Ảnh: MISS ENGLAND

Cô tình nguyện tạm rời bỏ đỉnh vinh quang của nhiệm kỳ để trở về làm bác sĩ chống dịch COVID-19.

Năm 2019, Bhasha Mukherjee là cái tên rất được công chúng nước Anh chú ý. Tất nhiên không chỉ là vì vẻ đẹp trời ban. Cô gái trẻ gốc Ấn đến từ West Yorkshire từng giữ danh hiệu Hoa hậu Huddersfield 2018 khi đang ở độ tuổi 23.

Cô thành thạo tới 5 ngôn ngữ, có 2 bằng y khoa và có chỉ số IQ 146.

Sau khi chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Anh vào tháng 8, Bhasha Mukherjee tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới rồi dành thời gian để di chuyển khắp thế giới, thực hiện công việc của một bác sĩ cho một số tổ chức nhân đạo.

Khi đang hoạt động tại Ấn Độ, Mukherjee nhận được tin nhắn từ các đồng nghiệp cũ tại Bệnh viện Pilgrim ở Boston, miền đông nước Anh, về tình hình chống dịch COVID-19 khó khăn như thế nào. Bhasha Mukherjee quyết định trở về để giúp đỡ các đồng nghiệp tại quê nhà.

Trả lời phỏng vấn của tờ CNN, Mukherjee thẳng thắn chia sẻ rằng cô cảm thấy sai lầm khi đội lên đầu chiếc vương miện Hoa hậu Anh. Nó chẳng có ý nghĩa gì ngay cả đối với hoạt động nhân đạo, hay như khi đồng nghiệp của cô đang cố gắng cứu chữa bệnh và mọi người trên khắp thế giới đang chết dần vì COVID-19.

"Bạn biết đấy! Phụ nữ ai cũng muốn mình thật xinh đẹp, ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng thực sự lúc này này tôi chỉ muốn được về quê nhà và lao thẳng đến bệnh viện, với công việc của một bác sĩ. Nhân dân của tôi cần một người thầy thuốc, không cần một người đẹp!", Bhasha Mukherjee nói.

Hoa hậu Anh cất vương miện sắc đẹp, về làm bác sĩ chống COVID-19 - Ảnh 2.

Bhasha Mukherjee trong trang phục của một nhân viên y tế - Ảnh: MISS ENGLAND

Đối với Mukherjee, đại dịch xảy ra khiến cô nhận thấy may mắn vì mình có kiến thức và bằng cấp y khoa. Cô biết mình có khả năng đứng vào đội ngũ những người tiên phong chiến đấu chống lại dịch bệnh.

Và vì vậy, Mukherjee đã trở lại Vương quốc Anh sau khi làm việc với các cơ quan chính phủ để tìm chuyến bay từ Ấn Độ đến Frankfurt (Đức), sau đó tới London (Anh).

Mukherjee tự cách ly trong khoảng 2 tuần tiếp theo cho đến khi cô có thể trở lại làm bác sĩ tại Bệnh viện Pilgrim.

Tính đến nay, Vương quốc Anh đã ghi nhận 51.608 trường hợp mắc COVID-19, gần 5.000 trường hợp tử vong, đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm.

Theo Tuổi trẻ