Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: Ưu tiên hàng đầu nên là hỗ trợ thanh khoản
Kinh tế - Ngày đăng : 09:31, 08/04/2020
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra một số nhận định về chính sách tài khoá, tín dụng, đầu tư mà Chính phủ đã đưa ra trong thời gian vừa qua nhằm giúp nền kinh tế chống chịu trước đại dịch Covid-19.
Thứ nhất về chính sách tài khoá. Theo ông Tự Anh, hai thứ quan trọng ở đây là hoãn, giãn các loại thuế như VAT, thu nhập doanh nghiệp… và các loại phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn... cho các doanh nghiệp thuộc diện chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tăng chi tiêu cho chính sách an ninh, trợ cấp xã hội. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh, sẽ có một lực lượng rất lớn những người nghèo, người cận nghèo có nguy cơ bị bần cùng hóa. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro bất ổn xã hội.
Cuối cùng là có những chính sách trợ cấp trực tiếp. Ví dụ như Chính phủ Mỹ hứa ký những tấm séc hơn 1.000 USD cho các cá nhân. Tuy nhiên, ông Tự Anh cho rằng Việt Nam có lẽ không nên làm như vậy. Thay vào đó, Việt Nam có thể áp dụng việc giảm trực tiếp trên hoá đơn của các dịch vụ tiện ích cơ bản như điện, nước, điện thoại.
"Giảm một số tuyệt đối bằng nhau cho tất cả mọi người để giúp cho người nghèo được hưởng lợi chứ không phải giảm theo tỷ lệ phần trăm", ông nói.
Về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này cho rằng điều quan trọng nhất là bảo đảm, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng như các doanh nghiệp chịu tác động.
Ở đây phải nói luôn là có rất nhiều khuyến nghị nói giảm lãi suất, chuyện đấy đúng, không sai nhưng có 2 vấn đề. Thứ nhất, giảm lãi suất là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm nhưng chưa giảm được. Điều đó có nghĩa là bây giờ Ngân hàng Nhà nước muốn giảm lãi suất thì phải dùng biện pháp hành chính và nó cũng không phải là biện pháp bền vững được. Thứ hai, khi giảm lãi suất, nếu doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng thì thà để cho doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất cao hơn còn hơn.
"Nên ưu tiên hàng đầu là phải hỗ trợ thanh khoản chứ không phải là giảm mặt bằng lãi suất", ông Tự Anh nhấn mạnh.
Trong gói tín dụng, ông Tự Anh cũng đề cập đến chính sách cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ.
"Cần cho phép ngân hàng hợp tác với doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ. Tương tự vậy ngân hàng và các khoản vay tiêu dùng cũng cần được cơ cấu lại. Ví dụ như hoãn trả nợ, không đưa vào nợ xấu... vì đây là những rủi ro từ trên trời rơi xuống, không phải lỗi của doanh nghiệp hay người tiêu dùng", ông nói.
Ông cũng cho rằng để giảm chi phí cho doanh nghiệp, có thể cân nhắc đến việc bỏ đi trần tín dụng cho các ngân hàng lành mạnh, đạt được chuẩn Basel II để ngân hàng có thể chủ động hơn trong việc đưa tín dụng và hỗ trợ thanh khoản đối với doanh nghiệp.
"Rồi điều chỉnh tỷ giá, đây là một chính sách hết sức khó xử với Việt Nam", ông Tự Anh nói.
Theo ông, tỷ giá của các nước xung quanh Việt Nam đã giảm sâu. Thời điểm hiện tại, VNĐ đã giảm 1,9% - tuy nhiên, ông cho rằng nếu Việt Nam giảm tiếp tỷ giá thì có nguy cơ bị Mỹ quy kết là thao túng tiền tệ và có biện pháp trừng phạt.
"Tất nhiên trong giai đoạn này nước Mỹ cứu mình còn chưa nổi nên sẽ không đi trừng phạt nước khác được nhưng đây vẫn là một chính sách mà Việt Nam nên linh hoạt và mạnh dạn điều chỉnh tỷ giá để giữ lợi thế về mặt xuất khẩu trong khi tất cả các quốc gia khác đã điều chỉnh tỷ giá rất sâu rồi".
Về chính sách đầu tư công, ông Tự Anh cho biết việc giải ngân số vốn đầu tư công là rất quan trọng. Trên thực tế, quý I năm nào việc giải ngân cũng diễn ra chậm. Trong quý I.2020, Việt Nam giải ngân được 13% vốn, tuy cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhìn chung con số giải ngân vẫn còn thấp.
Ông cũng đề cập đến việc cần đầu tư cho việc nghiên cứu, chế tạo vaccine. "Nếu như làm được điều này thì chúng ta có thể làm chủ được đường cong miễn dịch chứ không chỉ là đường cong nhiễm dịch. Mặt khác, nếu đi mua vaccine bên ngoài thì chúng ta phải trông chờ vào thị trường cũng như trông chờ vào lòng tốt của người khác, chúng ta sẽ không có chủ động về kinh tế nên sản xuất được vaccine để chủ động phòng dịch là cực kỳ quan trọng", ông nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Tự Anh cho rằng cần phải dành nguồn lực để đầu tư kích thích nền kinh tế, đồng thời bồi dưỡng năng lực cho phục hồi. Đơn cử như đầu tư vào công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, hệ thống cơ sở hạ tầng...
"Điều đó có nghĩa là chúng ta vừa tạo ra những hoạt động đầu tư giúp cho tăng cầu nền kinh tế nhưng đồng thời bồi dưỡng năng lực để chớp được cơ hội sau khi vượt qua được cuộc suy thoái và khủng hoảng", ông nói.
Theo Trí Thức Trẻ