Solskjaer làm lộ bộ mặt tàn nhẫn của Premier League
Quốc tế - Ngày đăng : 12:42, 10/04/2020
Trong thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh chưa từng có, các câu lạc bộ (CLB) luôn đưa ra thông điệp “Hãy sát cánh bên nhau để vượt qua khó khăn”. Nhưng lòng tham và sự tàn nhẫn mới là thứ sẵn có ở bóng đá chuyên nghiệp khi mà thời buổi khó khăn lại là cơ hội tốt để “cướp bóc” tài năng của nhau.
Ole Gunnar Solskjaer đang đếm từng ngày cho những scandal lớn nhất có thể xảy ra với Premier League trong thời điểm dừng đấu. Huấn luyện viên (HLV) trưởng của Man United đã không cố gắng che giấu âm mưu thôn tính đối thủ khi thẳng thắn nói về kế hoạch chuyển nhượng mùa hè của mình.
“Ai biết CLB nào sẽ cần bán cầu thủ khi bóng đá trở lại bình thường? Đây có thể là một tình huống chúng ta có thể khai thác, bởi vì Man United là một trong những CLB lớn nhất và khá giả về tài chính. Với vị thế CLB giàu nhất nước Anh, ta chỉ đơn giản là chờ đợi thời gian thích hợp để thực hiện điều mình muốn”, Solskjaer bóng gió về dự định của M.U.
Trong khi hàng chục đội bóng phải đối mặt với mối đe dọa đi vào ngõ cụt, một số ít đội may mắn hơn đang cảm nhận cơ hội béo bở nhất để kiếm tiền từ sự yếu kém của các đối thủ.
Man United, CLB được nhận hàng triệu euro từ Champions League, là một trong số ít các CLB Premier League tuyên bố có lợi nhuận lớn ở mùa trước. Đa số những CLB khác, kể cả 2 đội dự chung kết Europa League là Chelsea và Arsenal, đã kết thúc mùa giải với báo cáo tài chính màu đỏ.
Đối thủ đói kém là thời cơ của Man United
Không có CLB nào sẽ ra khỏi mùa giải hiện tại với báo cáo tài chính ghi bằng mực đen (thể hiện không có nợ nần, âm vốn) nếu các đội phải trả 762 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình cho các nhà đài. Nhưng với Man United chẳng hạn, họ vẫn thừa tiền để "hút máu" đối thủ.
Các nhà phân tích tài chính đã dự đoán rằng thị trường chuyển nhượng có thể hoàn toàn sụp đổ vào mùa hè này. Sẽ không còn những thỏa thuận trị giá 40 triệu bảng cho những cầu thủ như Sebastien Haller và Joelinton, trong khi cầu thủ phải đàm phán hợp đồng mới sẽ phải nhận mức lương giảm đáng kể.
Nhưng một số ít CLB siêu giàu cũng sẽ nổi lên hầu như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Và họ sẽ tận dụng tối đa vị trí của mình để giành lấy những cầu thủ giỏi nhất. Không có gì ngạc nhiên khi cầu thủ vẫn nghi ngờ sâu sắc về động cơ của các CLB gây áp lực buộc họ chấp nhận cắt giảm. Không có gì ngạc nhiên khi họ miễn cưỡng cắt giảm lương mà không được đảm bảo rằng tiền của họ sẽ được sử dụng tốt.
Đội một của Southampton đã chấp nhận bị hoãn trả lương trong 3 tháng và các đội khác chắc chắn sẽ làm theo. Nhưng làm sao họ đòi lại được khoản tiền đó khi chủ sở hữu chứng minh rằng họ đang gặp nguy hiểm thực sự.
Tuy nhiên, người đại diện của Mesut Oezil là Erkut Sogut, khuyên thân chủ của mình từ chối cắt giảm mức lương 350.000 bảng mỗi tuần của Arsenal và tuyên bố: “Các CLB Premier League không gặp tình trạng tồi tệ như họ đang thể hiện. Rắc rối của họ là do quản lý tài chính kém”.
Và ông ta hoàn toàn đúng bởi CLB đã gật đầu với những bản hợp đồng lố bịch như của Oezil. Bởi yêu cầu giảm lương không còn là chuyện các ông chủ tỷ phú khóc lóc trình bày với những cầu thủ và người đại diện tham lam mà là cách thực tế và duy nhất để các CLB có thể bù đắp sự thiếu hụt là bằng cách giảm tiền lương.
Song cũng có một thực tế, nếu một cầu thủ được đề nghị giảm lương, đồng nghĩa với việc anh ta sẽ có thể ra đi như một cầu thủ tự do. Như thế, CLB chiêu mộ anh ta chỉ mất phí lót tay chứ không phải phí chuyển nhượng.
Đối với các cầu thủ ở Premier League, đây là mặt tốt của một vấn đề. Họ sẽ sẵn sàng đến những CLB vẫn thừa tiền để trả cho mình, ví dụ như Man United.
Theo Bongdaplus