4 mẹo đối phó với ung thư
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:42, 10/04/2020
Nếu tình trạng lo lắng, mệt mỏi kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình điều trị ung thư, do đó, bệnh nhân cần chuẩn bị tinh thần thoải mái, học cách kiểm soát căng thẳng với cách sau đây:
Tìm hiểu về căn bệnh
Điều quan trọng nhất để hiểu rõ hơn về căn bệnh là không ngại hỏi lại bác sĩ, y tá về bất kỳ hướng dẫn hoặc điều khoản y tế nào chưa rõ ràng. Đồng thời, người bệnh nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ bệnh viện, các tổ chức y tế... Họ luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi và giải quyết vấn đề cần thiết của bệnh nhân. Điều này có thể giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn khi có sự phối hợp nhịp nhàng từ cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Ngoài ra, việc yêu cầu người thân hỗ trợ sắp xếp thông tin, tham khảo cách điều trị từ các bệnh nhân ung thư khác cũng là một mẹo hữu ích để hiểu hơn về căn bệnh của mình.
Tìm kiếm sự hỗ trợ
Bệnh nhân ung thư có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều nguồn lực.
- Nhân viên xã hội: Họ luôn sẵn sàng trò chuyện cùng bệnh nhân ung thư về tình trạng cá nhân, chẩn đoán... và tư vấn cách thay đổi lối sống.
- Chuyên gia tâm lý: Thông qua các buổi tư vấn tâm lý cá nhân, người bệnh có thể dễ dàng bộc lộ cảm xúc riêng tư, cảm nhận về căn bệnh và tác động của nó tới cuộc sống hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng có thể cung cấp kế hoạch điều trị về mặt tinh thần, đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng trường hợp. Kế hoạch này có thể giúp người bệnh kiểm soát và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân ung thư thường rất dễ mắc chứng trầm cảm, do đó, các bác sĩ tâm lý sẽ có thể kê đơn thuốc ngoài điều trị ung thư.
- Cộng đồng trợ giúp: Các nhóm hỗ trợ sẽ có các chia sẽ hữu ích, thực tế, đồng thời, tạo cho người bệnh không gian để tìm hiểu về cách đối phó với căn bệnh, trao đổi với những người đồng cảnh ngộ. Từ đó, bệnh nhân ung thư cảm nhận được bản thân không còn phải chiến đấu một mình.
Giảm căng thẳng
Có một số mẹo giúp người bệnh giảm thiểu tình trạng căng thẳng, lo âu trong khi điều trị ung thư sau:
- Duy trì cái nhìn, cách suy nghĩ tích cực.
- Chấp nhận căn bệnh ung thư là tình huống không thể tự kiểm soát.
- Mạnh mẽ, quyết đoán, ổn định cảm xúc thay vì nổi giận với chính mình và mọi người xung quanh
- Tập thể dục thường xuyên.
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh.
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, đây là khoảng thời gian giúp bệnh nhân phục hồi.
- Tránh xa rượu, đó không phải biện pháp giảm căng thẳng hiệu quả lâu dài.
Bài tập thư giãn
Nếu bị căng thẳng, một bài tập thư giãn có thể giúp cách bệnh nhân ung thư cải thiện tình trạng này. Bài tập gồm các kỹ thuật thở đặc biệt, thả lỏng cơ bắp và tâm trí, thư giãn với âm nhạc, phản hồi sinh học. Trong đó, cách đơn giản nhất là chọn nơi yên tĩnh, ngồi hoặc ngả lưng trên ghế và tránh các suy nghĩ tiêu cực, rắc rối.
Thư giãn 2 phút: Hít vào một hơi thật sâu và thở ra từ từ. Quét qua toàn bộ cơ thể và tập trung cảm nhận khu vực đang cảm thấy khó chịu. Sau đó, thả lỏng phần cơ thể ấy và xoay đầu theo một vòng tròn 1-2 lần (nếu bị đau trong lúc thực hiện động tác này, lập tức dừng lại). Tiếp theo, cuốn vai về phía trước rồi vặn về sau. Lưu ý, duy trì nhịp thở và suy nghĩ tích cực trong suốt quá trình thực hiện.
Thả lỏng tâm trí: Nhắm mắt, thở bình thường bằng mũi. Mỗi khi thở ra, nói thầm trong đầu một từ bất kỳ, ví dụ như 'bình an' hoặc một câu ngắn, "tôi muốn yên tĩnh'. Và tiếp tục như vậy trong 10 phút. Nếu tâm trí rối loạn, hãy cố gắng nhắc nhở bản thân tập trung vào hơi thở và từ mà mình đã chọn.
Hít thở sâu: Hãy tưởng tượng có một điểm tập trung ở dưới rốn. Sau đó hít không khí vào vị trí đó và mở rộng dạ dày. Cuối cùng, thở ra giống như xì hơi một quả bóng bay. Lưu ý, duy trì nhịp thở ngắn, dài đan xen để có hiệu quả thư giãn cao hơn.
Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều ứng dụng thiền chánh niệm và thư giãn trên điện thoại, người bệnh có thể sử dụng để giảm bớt căng thẳng, giúp quá trình điều trị ung thư nhẹ nhàng hơn.
Theo VnExpress