An ninh lương thực hậu dịch Covid-19
Bình luận - Ngày đăng : 08:01, 12/04/2020
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên 550 USD/tấn vào cuối tháng 3 vừa qua
Giá lương thực không ngừng tăng
Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có để tự bảo vệ mình. Sản xuất chậm lại, giao thông vận tải đều dừng, các kênh phân phối buộc phải tính toán lại. Nền kinh tế thế giới hầu như “ngừng thở” và đang bước vào ngưỡng cửa của một cuộc suy thoái trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và ngang bằng với cuộc đại suy thoái năm 1930. Hiện giá gạo thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Ủy ban Thương mại Thái Lan thông báo giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên 550 USD/tấn vào cuối tháng 3 vừa qua. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 6.2013. Còn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 400 USD/tấn, cao chưa từng có kể từ tháng 12-2018. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tháng 2 vừa qua dự báo khối lượng giao dịch gạo toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 45,3 triệu tấn, giảm 700.000 tấn so với dự báo trước đó của bộ này. USDA cho rằng các nước trên thế giới sản xuất 500 triệu tấn gạo/năm nhưng chủ yếu dùng cho nội địa và do có khối lượng giao dịch ít nên giá gạo dễ bị tác động bởi cán cân cung cầu.
Những nhân tố gây khủng hoảng lương thực
Khu vực châu Á là nơi sản xuất gạo lớn nhất thế giới, riêng Ấn Độ đã chiếm 14-23% lượng gạo xuất khẩu của thế giới (xếp thứ nhất), tiếp đến là Thái Lan và Việt Nam xếp thứ 2 và 3. Chỉ cần 4 nước: Thái Lan, Việt Nam, Myanma và Campuchia đã cung cấp đủ gạo cho 10 nước khu vực Đông Nam Á. Nếu các nước trên dừng xuất khẩu gạo thì chuỗi cung ứng không chỉ tại Đông Nam Á mà cả khu vực châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện có nhiều nhân tố đe dọa tới chuỗi cung ứng gạo toàn cầu bắt nguồn từ chính khu vực Đông Nam Á gồm biến đổi khí hậu nói chung và do hiện tượng Elnino kéo dài từ mùa hè năm 2019, nhiệt độ nước biển Thái Bình Dương tăng hơn mức trung bình làm thay đổi thời tiết khắp thế giới. Điều quan trọng nhất ảnh hưởng tới sản xuất gạo tại khu vực Đông Nam Á là dòng sông Mê Kông đang bị bức tử nhiều đoạn gây thiếu nước ngọt trầm trọng cho các nước chuyên sản xuất gạo là Thái Lan, Việt Nam…
Trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đập thủy điện lớn
Theo nghiên cứu vừa được công bố của Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản), các đập thủy điện được xây dựng trên dòng Mê Kông đã và sẽ tiếp tục gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đập thủy điện (có 11 đập đang vận hành), trong đó có hai đập lớn nhất là Xiaowan (Tiểu Loan) và Zuohadu (Nọa Trát Độ), lượng nước đủ lập đầy vịnh Chesapeake của Mỹ. Trung Quốc dự định sẽ xây tiếp khoảng 10 đập nữa. Phía dưới hạ du của sông Mê Kông cũng sẽ có 11 đập được xây dựng trên đoạn sông Mê Kông chảy qua địa phận nước Lào. Theo dự kiến Lào sẽ chi khoảng 18 tỷ USD để xây các đập này. Nước này hy vọng từ các đập trên sẽ đem lại một sản lượng điện khổng lồ và thu về 3,7 tỷ USD từ bán điện tới năm 2025. Cái giá phải trả cho các con đập ngăn dòng Mê Kông rất lớn, chỉ tính riêng cá nước ngọt trên sông này đã có 599 loài nhưng sẽ dần biến mất, hậu quả về môi trường cũng không nhỏ. Trên thế giới có nhiều nước xây dựng rất nhiều đập ngăn sông đã gây ra hậu họa lớn cho sản xuất nông nghiệp và môi trường nên dừng từ cuối năm 1960. Tiêu biểu như Mỹ xây tới 82.000 con đập và đã dừng khai thác nhiều con đập lớn. Liên minh châu Âu dừng 3.450 con đập để bảo tồn sinh thái và giữ nền kinh tế nông nghiệp bền vững.
Ngăn chặn một cuộc khủng hoảng
Nạn châu chấu đang hoành hành và tàn phá mùa màng ở Đông Phi có thể lan đến Tây Phi
Các nhân tố khác ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu còn phải kể đến sự biến đổi ngày càng mạnh của môi trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, có rất ít quốc gia quan tâm đến chuyện trái đất đang nóng lên và băng tan chảy với tốc độ nhanh tại Nam Cực. Các nước cũng ít quan tâm tới các dịch hại tàn phá các loại cây lương thực trên thế giới như “đại dịch châu chấu” ở châu Phi. Ông Mohamed Lemine Hamouny, Thư ký điều hành của Ủy ban Phụ trách kiểm soát châu chấu ở khu vực Tây và Tây Bắc châu Phi thuộc FAO đã cảnh báo rằng nạn châu chấu đang hoành hành và tàn phá mùa màng ở Đông Phi có thể lan đến Tây Phi vào tháng 6 tới và dự kiến sẽ tràn đến Bắc Phi vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay. Nạn châu chấu không chỉ xuất hiện ở châu Phi mà chúng tàn phá cây lương thực tại quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ. Hiện thế giới vẫn nhớ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 sau khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, giá lương thực đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn tháng 3.2007 đến tháng 4.2008. Ngân hàng Thế giới ước tính có hơn 130 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và gần 100 triệu ngươi suy dinh dưỡng do thiếu lương thực. Từ đợt khủng khoảng trên rất may châu Âu và châu Mỹ đã sớm nhận ra tác hại ghê gớm của các đập ngăn sông sản xuất thủy điện nên đã có những điều chỉnh phù hợp để “cứu lương thực”. Đây là bài học lớn cho châu Phi và châu Á đang mắc vì những lợi ích ngắn hạn do các con đập ngăn sông mang lại và dường như quên đi những lợi ích to lớn, bền vững về môi trường sinh thái cũng như sản xuất lương thực từ những con sông lớn đem đến.
Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực đi liền với suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 cần sự hợp tác toàn cầu cả trong chống biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực cũng như các ngành kinh tế khác.
HẢI HÀ