Đi viện mùa dịch
Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 12/04/2020
Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách
Vắng vẻ
Dù đau nhức, mệt mỏi người đã nhiều ngày nhưng ông Trần Hữu Thức ở xã An Bình (Nam Sách) ngại đến bệnh viện khám chủ yếu vì lo lây nhiễm dịch bệnh. Người nhà động viên mãi ông Thức mới đi khám và phải nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách. Ông Thức cho biết: "Vài ngày trước, cùng phòng bệnh với tôi có 5người nhưng giờ chỉ còn một mình tôi. Họ đã xuất viện hoặc xin về nhà điều trị. Tôi bảo con gái mang cơm từ nhà đi cho bảo đảm. Trung tâm đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch nên tôi cũng thấy an tâm khi ở đây điều trị".
Tại Khoa Nội tổng hợp (Trung tâm Y tế huyện Nam Sách), hiện mỗi phòng bệnh chỉ có từ 1-2 bệnh nhân. Số lượng người tới khám, nằm điều trị ở đây trong vài tuần qua giảm rõ rệt, nhất là sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện mỗi ngày trung tâm chỉ có khoảng 100 người tới khám (trước đây ngày thường có khoảng 400 người), từ 50-60 bệnh nhân điều trị nội trú (trước có từ 180 - 200 người).
4 năm nay, bà Mạc Thị Hải ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) vẫn duy trì khám, lấy thuốc định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng chưa bao giờ bà thấy bệnh viện vắng vẻ như hiện nay. Bà Hải được các nhân viên y tế đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay từ nơi tiếp nhận. Mọi người ngồi chờ khám ở sảnh đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhất định. Các khâu chờ đến lượt khám, đóng tiền, chụp phim, trả kết quả... cũng nhanh hơn so với mọi khi. Bà Hải cho biết: "Mọi lần tôi đi xe buýt từ nhà tới bệnh viện nhưng nay các phương tiện vận tải đã dừng hoạt động nên tôi đành nhờ người thân chở đi bằng xe máy. Bất kể ai phải đi tới bệnh viện thời điểm này cũng lo lắng vì đang dịch bệnh nhưng không đi thì không có thuốc uống, kiểm tra sức khỏe được".
Theo bác sĩ Tăng Bá Nhâm, Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện thời gian gần đây giảm từ 30-40%, chủ yếu do tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân. Tuy nhiên, người dân không nên quá sợ dịch bệnh mà không đi khám chữa bệnh, nhất là những người mắc bệnh mãn tính về tim mạch, hô hấp... Những trường hợp này nếu không dùng thuốc liên tục hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết giảm, có thể gây biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. "Người dân khi đến khám chữa bệnh ngoài thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế như sàng lọc, phân luồng chống dịch, giãn cách đúng trong khám chữa bệnh... Tuy chưa có bệnh nhân nào bỏ tái khám tại bệnh viện nhưng đã có một số trường hợp xin tự túc mua thuốc ở các tuyến dưới", bác sĩ Nhâm cho biết.
Bảo đảm an toàn
Các cơ sở y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các cán bộ, nhân viên y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tăng cường sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những người nghi nhiễm Covid-19. Bệnh viện tổ chức sàng lọc, đón tiếp bệnh nhân từ sớm để tránh ùn tắc tại khu vực đón tiếp. Khu vực phòng khám đón tiếp theo từng nhóm. Đơn vị tổ chức cấp thuốc ngoại trú cho người mắc bệnh mãn tính 2 tháng thay vì 1 tháng như trước; giảm điều trị nội trú, giảm chuyển tuyến trên. Tất cả các phòng bệnh đều mở cửa vào cuối giờ chiều để thông thoáng khí. Các nhân viên y tế mang theo các phương tiện hỗ trợ cá nhân, vệ sinh tay, bàn làm việc, giữ khoảng cách phù hợp đối với người bệnh. Việc tái khám có thể giãn cách thời gian, hạn chế tối đa cho người nhà lên phòng khám bệnh, tăng lực lượng nhân viên y tế kiểm tra, giám sát người bệnh.
Tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách, những người bệnh đã thuyên giảm có thể cho về nhà điều trị. "Chúng tôi tổ chức phân luồng bệnh nhân ngay từ ngoài cổng, những người có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 được phân luồng riêng. Bố trí ghế rời tại phòng khám để bảo đảm khoảng cách an toàn cho người đến khám. Mỗi bệnh nhân chỉ được phép có 1người nhà chăm sóc. Người bệnh ký cam kết ở trung tâm 24/24 giờ cho đến khi kết thúc quá trình điều trị, không tự ý ra khỏi bệnh viện", Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính - Điều dưỡng Phạm Thị Liên cho biết.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cũng thực hiện nghiêm kiểm soát thân nhiệt, hướng dẫn người dân biện pháp phòng dịch khi đến khám chữa bệnh. Những người nghi mắc Covid-19 được cách ly tại khu biệt lập. Trường hợp mắc bệnh mãn tính nhẹ, đơn vị cấp phát thuốc điều trị trong vòng 3 tháng. Đối với người bị bệnh mãn tính nặng sẽ cấp thuốc 2 tháng.
Với sự chủ động như vậy sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế. Những người mắc bệnh mãn tính, có dấu hiệu bất thường về sức khỏe vẫn nên đi khám bệnh để kịp thời điều trị, tránh để bệnh tình diễn biến xấu.
THẢO NGUYỄN