10 tác phẩm nên đọc trong mùa dịch của các nhà văn đoạt giải Nobel
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 16:23, 12/04/2020
Dịch hạch – Albert Camus
“Dịch hạch” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc ký sự của nhà văn Pháp nổi tiếng Albert Camus, ra đời vào năm 1947. Câu chuyện xoay quanh hành trình chiến đấu chống lại bệnh dịch hạch tại thành phố Oran của Pháp, nằm ở phía Bắc Algérie.
Dịch hạch - bản mới của Nhã Nam
Mặc dù ra đời từ khá lâu, nhưng tính thời sự cũng như mức độ chân thực của tác phẩm khi miêu tả cách loài người chống lại một đại dịch vẫn vẹn nguyên giá trị ở hiện tại.Tác phẩm ra đời ngay sau Thế chiến II, nên thảm họa miêu tả trong đó có thể khiến người ta liên tưởng đến chủ nghĩa phát xít, nhưng cũng có thể nó ám chỉ bất cứ hình thức bạo lực nào đang đe dọa cuộc sống loài người và có thể còn đè nặng lên nhân loại trong tương lai.
Đẹp và buồn – Kawabata Yasunari
Những sáng tác văn chương của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.
Lấy bối cảnh chính ở cố đô Kyoto, “Đẹp và buồn” là câu chuyện tình tay ba đầy bi kịch của nhà văn Oki với tình nhân Otoko và người vợ Fumiko của ông. Oki say mê vẻ đẹp thanh khiết của thiếu nữ Otoko khi ấy mới 17 tuổi, để rồi khi cô có thai, ông lại không dám chia tay vợ mình để đến với cô, khiến Otoko sinh non đứa bé. Sau này, Oki viết tác phẩm “Thiếu nữ mười sáu” như một lời gợi nhắc đến mối tình vấn vít giữa ông và cô thiếu nữ năm nào, nhưng rồi chính nó lại là tác nhân khiến vợ ông sảy thai. Đam mê và nhục cảm hòa quyện cùng cái đẹp trong tình yêu, nhưng đồng thời cũng là cái đẹp điên rồ của lòng hận thù, tạo thành một cuộc truy lùng, đeo đuổi mãi không dứt.
Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối – Patrick Modiano
Cuốn tiểu thuyết này là sự tổng hòa bốn lời kể của bốn nhân vật về những mẩu ký ức tuổi trẻ, tại không gian quán cà phê Le Condé. Từ những gì mà các nhân vật kể lại, cuộc đời của họ cũng dần được hé mở, và quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối trở thành một nơi chốn trú ẩn để họ thoát khỏi mọi u ám của cuộc đời.
Những mẩu ký ức tuổi trẻ cũng là cách để tác giả đưa các nhân vật trở về với quá khứ của họ, bóc tách những mảng nội tâm và tìm cách giải mã những bí ẩn trong nội tâm nhân vật. Việc nhân vật đi tìm “cội nguồn” của mình trở thành nét chủ đạo trong các tác phẩm của Modiano, được nâng tầm lên thành một vấn đề bao quát: con người và thời gian.
Của chuột và người – John Steinbeck
Với “Của chuột và người”, John Steinbeck đã đóng góp cho văn chương thế giới một trong những tác phẩm viết về tầng lớp lao động xuất sắc nhất. Lấy bối cảnh nước Mỹ trong giai đoạn Đại Khủng hoảng kinh tế những năm 1930, “Của chuột và người” là câu chuyện bi thương của George và Lennie – hai gã đàn ông đi lang thang tìm việc làm tại các nông trại ở California.
Thông qua số phận của họ, John Steinbeck đã khắc họa một cách đau đớn nỗi khốn cùng của người dân lao động Mỹ, những mảnh đời cơ cực giữa một xã hội đầy những bất công.
Buồn nôn – Jean-Paul Sartre
“Buồn nôn” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc hiện sinh của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Antoine Roquentin, một nhà sử học chán nản với cuộc sống. Anh cư ngụ tại thành phố cảng hư cấu Bouville để hoàn tất công trình nghiên cứu về cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị thế kỷ 18.
Mùa đông năm 1932, một sự kiện kỳ lạ đã xảy ra với Antoine, khi những cơn buồn nôn ngày càng xuất hiện nhiều trong các hoạt động mà anh làm hoặc những sự vật xung quanh anh. Antoine tin rằng các vật thể và tình huống vô tri xâm lấn vào khả năng tự xác định bản thân và sự tự do về trí tuệ và tinh thần của anh.
Chúa ruồi – William Golding
Diễn ra trong bối cảnh một cuộc chiến tranh nguyên tử, chiếc máy bay chở mấy chục đứa trẻ đi sơ tán gặp tai nạn và rơi xuống một hoang đảo tại Thái Bình Dương. Những đứa trẻ ấy đã phải tự sinh tồn, bắt đầu một cuộc sống tự lập. Xung đột nổ ra trước những khó khăn và thiếu thốn về lương thực nơi hoang đảo, cùng nỗi thất vọng khi chúng bỏ lỡ cơ hội được cứu. Cuối cùng, xung đột lên đến đỉnh điểm, bộc lộ sự tàn ác trong mỗi đứa trẻ, câu chuyện được đẩy lên cao trào bằng những hành động sai trái mất kiểm soát.
Siddhartha – Herman Hesse
“Siddhartha” là cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của nhà văn người Đức Herman Hesse, kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha. Siddhartha vốn là tên của Đức Phật trước khi xuất gia, nhưng trong cuốn tiểu thuyết này, Phật Thích Ca lại được tác giả gọi là Gotama. Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính bỏ nhà ra đi cùng người bạn thân là Govinda để tham gia cùng các nhà tu khổ hạnh nhằm tìm sự khai sáng. Hành trình đã giúp Siddhartha đi qua một chuỗi các thay đổi và tự nhận thức, nêu bật tầm quan trọng của việc trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách để có thể thấu hiểu bản chất cuộc sống.
Ngoài ra còn có các cuốn "Tên tôi là Đỏ" - Orhan Pamuk, "Trốn chạy" – Alice Munro, "Mãi đừng xa tôi" - Kazuo Ishiguro, đều là những tác phẩm bất hủ giúp người đọc chiêm nghiệm những giá trị thật và sâu sắc của cuộc đời.
Theo Dân Việt