Tiếp viên hàng không, Việt kiều kể điều khó quên những ngày chữa Covid-19
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:16, 13/04/2020
L.T.Q. là bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 59 được ghi nhận ở Việt Nam. Cô gái 29 tuổi là tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines, lây nhiễm bệnh trong quá trình phục vụ trên chuyến bay VN0054 London (Anh) về Nội Bài sáng 2.3.
Ngoài sự kiên định của bản thân, nữ tiếp viên chia sẻ liều thuốc tinh thần lớn nhất giúp cô vượt qua bệnh tật chính là đội ngũ nhân viên y tế.
"Không chỉ trong chuyên môn, mỗi ngày, họ còn quan tâm xem tôi ăn có ngon không, có ý kiến đóng góp gì không. Từ ý kiến đóng góp, họ sẽ thay đổi chất lượng của nhà ăn. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi ăn theo quán tính, không còn cảm giác ngon hay không, ăn chỉ để lấy sức. Mấy ngày hôm nay, tôi mới lấy lại được vị giác", chị chia sẻ.
Nữ tiếp viên có kết quả dương tính với Covid-19 vào ngày 15.3. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nữ bệnh nhân nói thêm, khi chị nhận kết quả dương tính, bác sĩ cũng trấn an tinh thần. "Bác sĩ nói với tôi, cứ coi như đây là kỷ niệm quý giá của cuộc đời, khi về già còn có chuyện để kể cho thế hệ sau", chị nhớ lại.
Cũng theo bệnh nhân 59, khi nhập viện vào ban đêm, chị được chứng kiến tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân chuyển đến, các bác sĩ phải làm việc liên tục. Dù vậy, y, bác sĩ vẫn giải thích rất cặn kẽ, nhẹ nhàng với từng người. Khi hết bệnh nhân, họ chỉ tranh thủ ngồi nghỉ một chút, có bệnh nhân chuyển đến, lại lập tức bật dậy.
"Thời gian ở đây, tôi được một bác sĩ chia sẻ họ không sợ nguy hiểm, sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Họ chỉ buồn vì từ khi dịch bùng phát, không được về nhà và rất nhớ gia đình", chị kể thêm.
Nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, D. (du học sinh Anh, Hà Nội) cũng phải nhập viện điều trị từ ngày 17.3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Những ngày ở đây, dù phải đối mặt với bệnh tật nhưng nữ sinh chia sẻ cô lạc quan hơn khi cảm nhận được tình cảm và sự tận tâm của bác sĩ.
Các bác sĩ, điều dưỡng khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ, vì vậy các bệnh nhân chỉ nhận ra họ qua ánh mắt và giọng nói.
D. cho biết: "Các điều dưỡng 24/24 giờ đều phải mặc đồ bảo hộ nên rất vướng víu. Tôi ấn tượng với một nữ điều dưỡng khi một lần, chị phải lấy máu để xét nghiệm cho tôi. Trước khi tiến hành thao tác, chị nói: ‘Thông cảm cho chị nếu chị lấy máu không được chuẩn ven nhé’. Nghe câu nói đó, tôi rất cảm động và động viên chị: ‘Không sao đâu chị’".
Có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân số 86 (chị H., sinh năm 1966, điều dưỡng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) cũng liên tục phải chiến đấu dành sự sống trong phòng cấp cứu từ ngày 19.3 đến 3.4.
Khi khỏi bệnh, chị nói chị cảm động nhất là sự tận tụy và nỗ lực của các y, bác sĩ ở đây.
Cơm trưa phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Mỗi ngày 2, 3 lần họ phải lấy khí máu để kiểm tra nồng độ oxi trong máu cho tôi. Nhìn các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ nóng bức vẫn kiên trì làm thủ thuật, tôi xúc động vô cùng", chị nói.
Không chỉ vậy, những lần bệnh nhân mệt mỏi, kiệt sức, không muốn ăn các điều dưỡng lại động viên. "Họ khuyên tôi phải ăn, dù ít hay nhiều, để lấy sức chống lại dịch bệnh. Nếu không ăn, không có sức, tôi có thể phải sử dụng đến máy trợ thở".
Nhờ sự động viên ấy, nữ điều dưỡng cố gắng tuân thủ chỉ dẫn, phác đồ điều trị. Dù không muốn ăn uống chị vẫn cố gắng ăn, cố gắng vận động… để sức đề kháng tốt lên. Nhờ vậy, chị đã vượt qua được cơn nguy kịch.
"Ai cũng muốn chọn công việc nhẹ nhàng nhưng khi chọn nghề y, họ đã phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Tôi cũng mong các bệnh nhân nếu dương tính với Covid-19, hãy tin tưởng, thông cảm và tuân theo chỉ dẫn bác sĩ để có kết quả tốt", bệnh nhân sinh năm 1966 chia sẻ.
Cũng muốn gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là P. (30 tuổi) bệnh nhân 130 mắc Covid-19 ở Việt Nam. Chàng trai người Sài Gòn cùng người thân định cư ở Tây Ban Nha đã 5 năm nay. Trở về Việt Nam, ngày 23.3, P. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Giữa tháng 3, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Tây Ban Nha, bệnh nhân 130 đã về Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Khi P. về Việt Nam, các triệu chứng bệnh vẫn chưa dứt. Cảm giác đau tức ngực vẫn hành hạ anh từng giờ. Có những lúc, anh tưởng như cả trăm mũi kim chích sâu vào lồng ngực. Những cơn sốt, đau nhức người làm cả cơ thể anh không còn chút sức lực. Kết quả chụp CT cho thấy anh có tổn thương ở phổi.
Trong những ngày mệt mỏi nhất vì bệnh tật, một bác sĩ đã đến bên P. động viên: "Em sẽ không sao cả vì tất cả bác sĩ đang ở đây cố gắng điều trị cho em. Cứ tin tưởng vào chúng tôi".
P. thừa nhận câu nói ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên 30 tuổi. Hàng ngày, anh cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị, ăn thật nhiều để có thêm sức. Anh cũng giữ cho mình tinh thần lạc quan và vận động nhẹ mỗi khi có thể.
Ngày 29.3, P. nhận kết quả âm tính lần 1. Ngày 30.3, anh tiếp tục nhận kết quả âm tính lần 2 và được công bố khỏi bệnh cùng với 26 bệnh nhân khác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Cũng như nhiều bệnh nhân khác, P. bày tỏ sự trân trọng đối với các y, bác sĩ - những người đã nỗ lực hết mình giành giật sự sống cho người bệnh.
Theo Vietnamnet